Hỗ trợ nữ công nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi
25/03/2014 12:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án là hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Trong đó, Đề án phấn đấu đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện Đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng.
Theo đó, sẽ hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng; hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất; Truyền thông, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức tại cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành liên quan trong quản lý nhóm trẻ.
Xây dựng và áp dụng cơ chế bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng; tăng cường vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động, nhất là ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Hiện cả nước có gần hai triệu công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX); trong đó, có gần 70% là nữ. Phần lớn trong số họ có con đang ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, ở hầu hết các KCN, KCX đều không có nhà trẻ, mẫu giáo. Gửi con ở đâu để có thể yên tâm đi làm đang trở thành vấn đề bức xúc, nhất là thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em ở một số cơ sở trông giữ trẻ tư nhân. Thực trạng này phổ biến trên phạm vi cả nước. Trưởng Ban gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: Năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành một cuộc khảo sát tại năm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, đó là: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy, hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhóm trẻ nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, kết quả là chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch - Ðầu tư, tính đến năm 2013, đã có 289 KCN, KCX được thành lập ở 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 184 KCN, KCX đi vào hoạt động, với gần hai triệu công nhân. Có tới 60 đến 70% công nhân là nữ, trong đó khoảng 30% trong độ tuổi sinh đẻ, khoảng 70% có con ở độ tuổi mầm non. Vì vậy, nhu cầu gửi trẻ, nhất là trẻ từ sáu đến 36 tháng tuổi của người lao động tại các KCN, KCX là rất cao, nhưng hầu như chưa có nơi nào có nhà trẻ dành riêng cho con công nhân. Cùng với tình trạng thiếu trường, lớp học mầm non cho con công nhân lao động, bất cập hiện nay là các trường công lập cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng. Như vậy, trong khoảng thời gian trẻ từ sáu tháng đến 18 tháng tuổi, người lao động biết gửi con vào đâu nếu không muốn gửi con vào những nơi trông giữ trẻ thiếu an toàn? Không có nhà trẻ trong KCN, KCX, nhiều nữ công nhân phải gửi con ở những nơi vừa xa nhà, vừa xa nơi làm việc, đi lại rất vất vả và tốn nhiều thời gian, trong khi họ thường phải đi sớm, về muộn, làm việc theo ca, kíp. Ðiều 116 Luật Lao động quy định: "Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi mẫu giáo". Luật là như thế, nhưng trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp chưa quan tâm tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo dành cho lao động nữ có con nhỏ gửi. Họ lấy lý do không có kinh phí xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo. Vấn đề trợ cấp cho lao động nữ gửi trẻ, các doanh nghiệp cũng cố tình "lờ đi".
Thực tế cho thấy, các KCN, KCX không có quỹ đất để xây dựng những công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Công nhân làm việc trong các KCN, KCX còn không được bố trí nơi ở, nói gì đến việc xây nhà trẻ. Ðây là "rào cản" cần phải được tháo gỡ để phát triển trường mầm non trong các KCN, KCX, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Ðể giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp, mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội. Ðồng thời, Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.
Theo Chinhphu.vn, NDO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...