Mới chỉ thoát nghèo theo tiêu chí
26/02/2014 03:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Chuẩn nghèo hiện tại thấp hơn so với nhu cầu cơ bản của người dân, vì thế, người dân vượt chuẩn nghèo thì mới thoát nghèo theo tiêu chí chứ chưa thoát nghèo thật sự, bền vững”, Giám đốc Sở LĐTB-XH Bến Tre Hà Thanh Hùng nhận xét như thế trong buổi giao ban do Bộ LĐTB-XH tổ chức vào ngày 24-2 với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phía Nam.
Đan lát - một nghề truyền thống ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Ngọc Trước
Thoát nghèo vẫn khó
Theo ông Hà Thanh Hùng, Bến Tre đã hạ tỷ lệ hộ nghèo còn gần 8,6% (giảm 2% so với năm 2012). Tuy nhiên, các hộ vừa thoát nghèo vẫn chưa có khả năng hoàn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không những chưa có chính sách rõ ràng để hộ dân thoát nghèo bền vững, theo ông Hà Thanh Hùng, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm - một trong những giải pháp giải quyết việc làm tại chỗ cho người nghèo hiệu quả, lại được phân bổ nhỏ giọt (khoảng 4,5 tỷ đồng), không đáp ứng được nhu cầu vay vốn trong dân. Trong 2 năm 2013, 2014, Bến Tre không được Trung ương cấp vốn mới bổ sung để thực hiện cho vay từ chương trình này. Trao đổi về đề nghị tiếp tục giúp vốn cho hộ vừa thoát nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nếu hộ dân vừa thoát nghèo rồi nhưng vốn chưa đến hạn trả thì vẫn để hết chu kỳ vay mới phải trả. Đến năm 2015 sẽ có chuẩn nghèo cho giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Sở LĐTB-XH Đắk Nông lại trăn trở vì cho rằng tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn rất cao. Đồng bào dân tộc thiểu số có đến hơn 30% nằm trong diện nghèo, cao hơn tỷ lệ nghèo của toàn tỉnh (16%); tính riêng số dân tộc tại chỗ thì tỷ lệ này lên đến 40%. “Chúng ta dùng rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, trang bị giúp đồng bào không thiếu thứ gì, nhưng vì sao không giảm nghèo được?”, ông Nguyễn Đức Nguyên đặt vấn đề. Ông Nguyên đề nghị cần xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù cho dân tộc thiểu số. Tính cộng đồng của đồng bào rất cao, nên chăng cùng với việc tính hộ nghèo theo đơn vị “hộ”, chúng ta cần có chính sách với nhóm hộ nghèo và đẩy mạnh các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng.
Không đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị bỏ hỗ trợ tiền điện, tiền dầu cho hộ nghèo (30.000 đồng/tháng/hộ), ông Nguyễn Hữu Thấu, Giám đốc Sở LĐTB-XH Khánh Hòa, phân tích: Hỗ trợ thêm được khoản nào là tốt cho người nghèo khoản ấy. Dù ít ỏi nhưng cũng phần nào an ủi người còn khó khăn. Để tiện lợi và hiệu quả, thay vì cán bộ giảm nghèo trèo đèo lội suối mang 30.000 đồng đến cho người dân, khoản tiền ấy nên kết hợp với ngành điện lực thực hiện.
Người nghèo chê xuất khẩu lao động
TPHCM trong năm 2013 chỉ có 50 người nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Trong hơn 25.000 lao động được giải quyết việc làm năm 2013, tỉnh Bến Tre chỉ có 339 người đi xuất khẩu lao động. Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Bến Tre cho biết, đi làm việc ở nước ngoài, người nghèo được vay 30 triệu đồng/người. Số tiền này chỉ phù hợp với thị trường “rẻ” như Malaysia chứ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn khi muốn làm việc tại các thị trường có chi phí cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Các địa phương đề nghị sớm tăng mức cho vay đi làm việc ở nước ngoài, giúp lao động nghèo có điều kiện tham gia các thị trường có thu nhập cao hơn.
Xót ruột khi đa số người nghèo ở huyện Đa Krông (Quảng Trị) bỏ về sau một thời gian xuất ngoại, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Trị, chia sẻ, huyện Đa Krông (1 trong 62 huyện nghèo của cả nước) có 130 người đi làm việc ở nước ngoài. Song xuất ngoại rồi mới hay chế độ tiền lương được trả không đúng như trong hợp đồng đã ký trước đó. Nhiều người bỏ về giữa chừng, vốn vay rồi nhưng lại khó trả được, khó khăn càng chồng khó khăn. Vấn đề đặt ra, theo ông Phan Văn Linh, khi ký hợp đồng như thế nào thì các đơn vị đưa người nghèo đi lao động ở nước ngoài cần cố gắng đàm phán giữ đúng như thế ở nước bạn. Như vậy mới đảm bảo uy tín và người nghèo bớt khổ.
Trao đổi về mức trần vay 30 triệu đồng/người giúp người nghèo đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sẽ kiến nghị nâng trần mức vay (có thể là 50 triệu đồng/người). Bộ LĐTB-XH cũng thừa nhận, trong 2 cách hỗ trợ người lao động (gián tiếp qua doanh nghiệp và hỗ trợ trực tiếp người lao động) thì biện pháp hỗ trợ thứ hai vẫn còn chưa thực hiện được bài bản. Bản thân người lao động cũng chưa nhận thức được mình thuộc diện hỗ trợ. Địa phương cũng chưa nắm được ở địa phương mình có ai thuộc diện được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Báo SGGP
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...