Bến Tre: Công nhân lấy rác làm việc gần 2 năm vẫn không có hợp đồng lao động
24/09/2013 12:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công việc hàng ngày của anh Tiến là theo xe chở rác, đưa rác lên xe. Anh Tiến làm công việc này đã gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng lao động, không có thẻ BHYT.
Anh Nguyễn Thanh Tiến (43 tuổi), ngụ xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, vào làm tại Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị Bến Tre từ cách đây 2 năm. Công việc của anh là lấy rác ở lề đường đổ lên xe chở rác. Đến nay anh vẫn chưa được công ty ký hợp đồng lao động.
Dù làm việc gần 2 năm nhưng đến nay anh Tiến vẫn chưa được công ty ký hợp đồng lao động vì lí do công ty đang chuyển đổi cổ phần
Anh Tiến cho biết: "Tôi làm đến tháng 10/2013 này là tròn 2 năm. Mỗi ngày tôi cùng 3 nhân viên khác (1 tài xế, 1 nhân viên chính thức và 1 công nhân lấy rác theo diện như anh Tiến - PV) làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Công việc của tôi là lấy rác ở lề đường đổ lên xe. Với đoạn đường dài khoảng 15 km, đội chúng tôi phải đi lấy rác 3 lần/ngày mới xong việc".
Chị Nguyễn Thị Thảo - vợ anh Tiến - cho biết thêm: “Vì quá khổ nên khi được nhận vào làm là mình mừng rồi, có biết chi đến hợp đồng lao động gì đâu. Khi đưa anh Tiến đi khám bệnh lần đầu các cô y tá hỏi là công nhân lấy rác sao không có thẻ BHYT? Anh Tiến hỏi ông tổ trưởng nhiều lần nhưng nghe nói lại công ty đang bán cổ phần gì đó, khi nào bán xong công ty mới ký. Rồi anh Tiến chờ cho đến bây giờ”.
Một năm anh Tiến được nghỉ 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Tất cả các ngày còn lại trong năm, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm (anh làm ca đêm 2 tháng khi công ty điều động anh lên lấy rác ở TP Bến Tre), anh đều phải đi làm, trừ khi đau ốm. Cả tháng làm đủ 31 ngày được nhận 3.410.000 đồng.
Trao đổi với PV Dân trí về trường hợp anh Nguyễn Thanh Tiến, bà Huỳnh Ngọc Lan - Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị Bến Tre - cho biết: "Anh Tiến là lao động công nhật của công ty. Nguyên nhân công ty không ký hợp đồng lao động với anh là vì công ty trong giai đoạn cổ phần hoá doanh nghiệp theo quyết định của UBND tỉnh và có sự đồng ý của Chính phủ. Theo lịch trình thì bắt đầu năm 2010 phải chuyển đổi nhưng có nhiều lí do nên kéo dài đến cuối năm 2013 này. Chính vì lí do này, công ty không có nhu cầu tuyển lao động chính thức. Anh em vào làm chỉ với hình thức lao động công nhật, một ngày 110.000 đồng. Khi nào công ty chuyển đổi xong mới xem xét lại từng trường hợp rồi mới ký hợp đồng lao động".
Ngoài ra, bà Lan cũng cho biết, ở các khâu như vệ sinh, cây kiểng,… công nhân ra vào thường xuyên nên việc sắp xếp công việc đều do các tổ trường quản lý trực tiếp. Khi nào thiếu người thì tổ trưởng đề xuất tuyển người, công ty chỉ trả lương. Riêng trường hợp anh Tiến khi bị bệnh, lãnh đạo công ty đã cử nhân viên đến thăm hỏi và hỗ trợ anh 500.000 đồng.
Hiện anh Tiến bị ung thư phổi và đang nằm điều trị tại Bệnh viện Lao phổi Bến Tre. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây gia đình anh Tiến thuộc hộ nghèo nhưng từ khi đi làm công nhân lấy rác, địa phương rút lại sổ hộ nghèo. Lâu nay, nguồn sống của gia đình đều trông chờ vào đồng lương của anh. Bởi thế khi anh ngã bệnh, chị Thảo “rối trí” vì vừa phải lo kiếm tiền chạy chữa cho anh vừa phải lo tiền ăn học cho hai con nhỏ.
Theo Dân Trí
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...