Lương tối thiểu vùng tăng đủ cải thiện cuộc sống
12/09/2013 01:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chính thức ra mắt và hoạt động từ đầu tháng 8/2013. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (Bộ LĐ - TB & XH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia về phương án lương tối thiểu vùng năm 2014.
Nhiệm vụ chính của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là gì, thưa ông?
Hội đồng Tiền lương Quốc gia (Hội đồng) gồm 15 thành viên là đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội ngành nghề ở Trung ương có sử dụng nhiều lao động. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ về điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương trên thị trường lao động. Hội đồng còn có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế -xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, mức tiền lương trên thị trường lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp để xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ. Ngoài ra, Hội đồng nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng đối với một số nghề, công việc không thường xuyên hoặc làm việc không trọn thời gian. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá việc phân vùng địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung phân vùng địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Ông có thể cho biết cơ chế để đưa ra phương án lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia có thay đổi gì khác so với trước đây?
Trước đây, cơ chế tiền lương tối thiểu có sự tham vấn gián tiếp của các bên với cơ quan Chính phủ: Bộ LĐTBXH đưa ra phương án để các bên tham gia ý kiến, sau đó trình Chính phủ. Giờ chuyển sang cơ chế các bên tham vấn trực tiếp: Hội đồng sẽ họp để đại diện ba bên (đại diện giới chủ sử dụng lao động, công đoàn và cơ quan đại diện Chính phủ) để mỗi bên tự đưa ra mức lương mong muốn rồi cùng bàn bạc dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, khả năng của doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng và mức sống tối thiểu của người lao động. Từ những số liệu tham chiếu này, các bên sẽ thảo luận và thống nhất một phương án hợp lý nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động và trình Chính phủ quyết định.
Khung thời gian lương tối thiểu vùng có điều chỉnh không, thưa ông?
Mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh áp dụng từ 1/1 đến 31/12 hàng năm. Để chuẩn bị điều chỉnh lương cho các năm sau, chúng tôi dự định bắt đầu từ tháng 5 nhưng theo kinh nghiệm của các nước thì nên bắt đầu từ tháng 4. Lúc đó các tiểu ban kĩ thuật của Hội đồng tiền lương phải làm việc và đưa ra thảo luận chọn các phương án, đề xuất với Bộ LĐTBXH vào tháng 7 hoặc tháng 8. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sau đó trình với Thủ tướng Chính phủ tháng 9 và ký công bố quyết định từ 1/10, trước 3 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị.
Ông có thể cho biết mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng bao nhiêu so với hiện tại?
Sau khi Hội đồng tiền lương chính thức đi vào hoạt động ổn định, các tiểu ban kỹ thuật sẽ có nhiệm vụ điều tra khảo sát kể cả thành thị và nông thôn, để làm sao đưa ra phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thời gian tới lương tối thiểu vùng sẽ phải tăng và mức tăng phải đủ để cải thiện cuộc sống cho người lao động. Bởi thời gian qua, lương cơ bản đã tăng nhưng bên cạnh đó là giá các mặt hàng như điện, xăng dầu và một loạt các mặt hàng thiết yếu tăng tạo sức ép lên lương. Vì vậy, việc tăng lương cơ bản vừa qua chưa hỗ trợ được nhiều cho người lao động. Việc tăng lương, điều chỉnh giá cả sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhau, cho nên việc điều chỉnh tiền lương trước hết phải đảm bảo bù được trượt giá, sau đó tính toán cải thiện đời sống người lao động phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
Vậy theo ông, người lao động đang trông chờ gì vào đợt điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ năm 2014?
Tôi cho rằng người lao động đang mong muốn có một sự điều chỉnh tiền lương cho phù hợp với thực tế hơn. Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương là cân bằng lợi ích các bên. Nhà nước luôn khuyến khích hai bên là phía sử dụng lao động và người lao động thương lượng và đưa ra mức lương. Ở đây có vai trò quan trọng của công đoàn cơ sở trong việc tính toán tiền lương, các mức lương cụ thể cho phía người lao động. Người lao động phải nâng ý thức và tiếng nói của mình lên trong việc thương lượng với người sử dụng lao động.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo molisa.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...