Toạ đàm trực tuyến về chính sách BHYT
03/09/2013 09:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 28/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chính sách BHYT. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên; Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam ; Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, Bác sỹ Lê Thanh Hải. Buổi toạ đàm trực tuyến nhận được nhiều câu hỏi từ người dân xoay quanh các vấn đề liên quan đến thực hiện BHYT toàn dân, nội dung sửa đổi Luật BHYT, các biện pháp hạn chế lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT…
Ảnh: Quang Hiếu/VGP
Nỗ lực thực hiện BHYT toàn dân
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 538/QĐ-TTg, phê duyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Hiện nay vẫn còn khoảng 30% người dân chưa tham gia BHYT. Trả lời câu hỏi phải làm gì để đảm bảo thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ: Trước hết, chúng ta phải nghiên cứu ban hành chủ trương chính sách BHYT cho phù hợp. Thứ 02, nêu cao trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương và các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc mạnh mẽ. Thứ 03, phải tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, và tập trung vào các nhóm đối tượng, nhất là các nhóm được Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí như cận nghèo, học sinh sinh viên… Nhiều doanh nghiệp hiện cũng chưa quan tâm đảm bảo đóng BHYT cho người lao động, phải làm thế nào để tỷ lệ đó tăng lên. Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt tuyên truyền để người dân hiểu tính ưu việt của BHYT, quyền lợi của người dân, để họ thấy quyền lợi, lợi ích để tham gia.
Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta đang có những điều kiện rất thuận lợi, nhất là khi Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Quyết định 538 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Về việc tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình cũng như đưa giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu bao phủ BHYT.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đã phân loại các nhóm địa phương để xác định địa phương nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ theo Nghị quyết 21, đặt mục tiêu đến 2015 có tối thiểu 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 phải đạt tối thiểu 80%.
Thứ 2, BHXH Việt Nam xác định phân nhóm đối tượng tham gia BHYT, tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Xác định tỷ lệ để phát triển tăng độ bao phủ cho mỗi nhóm, mỗi địa phương phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế xã hội, đảm bảo được tính khả thi. Trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo thường xuyên với UBND các tỉnh, thành phố và đưa ra giải pháp cụ thể để phát triển.
Ví dụ, với BHYT học sinh đã đạt 80%, vậy 20% còn lại nằm ở tỉnh nào thì tỉnh đó phải nỗ lực phấn đấu đạt tới 100% BHYT học sinh vào năm 2015. Hiện nay khó khăn nhất là ở các hộ nông lâm ngư nghiệp. Ngoài việc kiến nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nhóm này tham gia BHYT, cần phải có quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, BHXH các tỉnh, thành phố làm sao để tập trung nhiều phát triển mở rộng BHYT nhiều hơn nữa ở các nhóm này.
Luật BHYT đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện Luật BHYT toàn dân. Hiện Bộ Y tế đang tiến hành soạn thảo Luật sửa đổi Luật BHYT sau hơn 03 năm đưa vào thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên đã chia sẻ với độc giả những điểm mới cơ bản của Luật mới như:
chia lại nhóm đối tượng, giảm từ 25 nhóm đối tượng trong luật cũ xuống còn 5 nhóm; nêu rõ trách nhiệm UBND xã, phường là phải lập danh sách các hộ gia đình tham gia BHYT; quy định hình thức đóng BHYT theo cá nhân như hiện nay sẽ chuyển sang đóng theo hộ gia đình. Dự thảo luật cũng sẽ giao trách nhiệm cho UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý thực hiện BHYT trên địa bàn rõ hơn. Về quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ tăng lên. Về quỹ dự phòng thì có một số quy định ít nhất bằng mức thu 2 quý liền kề nhưng hiện tại vẫn chưa đủ, và tới đây ban soạn thảo sẽ thay đổi quỹ dự phòng sẽ bằng 1 quý liền kề vì đây là quỹ ngắn hạn. Về trách nhiệm quyền hạn các bên liên quan như Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, cơ sở khám chữa bệnh, UBND các cấp cũng sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Ngăn chặn các hành vi lạm dụng Quỹ BHYT
Trả lời các câu hỏi xoay quanh nội dung ngăn chặn các hành vi lạm dụng Quỹ BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Thị Xuyên cho biết: Thông tư liên tịch số 04 về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế quy định rất rõ. Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, khi xây dựng giá dịch vụ, bệnh viện căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt. Sau khi xây dựng xong trình Bộ y tế thẩm định. Một số vụ, cục của Bộ Y tế, một số ban của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số vụ của Bộ Tài chính tham gia thẩm định. Những gì bất hợp lý thì Hội đồng thẩm định sẽ loại ra.
Tại địa phương, Sở Y tế là đầu mối phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan BHXH tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thẩm định giá y tế của từng bệnh viện. Danh mục giá dịch vụ tại các bệnh viện đó cũng phải đáp ứng đủ yêu cầu và phải có cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Sở Y tế trình UBND tỉnh, UBND đồng ý mới trình HĐND, tiếp theo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Tại Bộ Y tế, Hội đồng thẩm định giao cho đầu mối là Vụ Tài chính trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt các danh mục, dựa trên căn cứ và qua hội đồng thẩm định rất cẩn thận. Những gì không phù hợp, không hợp lý thì đều không được phê duyệt.
Bác sỹ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW nêu quan điểm về việc hạn chế việc lạm dụng kỹ thuật, trục lợi quỹ BHYT: Để sử dụng quỹ BHYT hiệu quả trong công tác đầu tư phát triển bệnh viện cũng như ngành y nói chung, vai trò của cán bộ y tế là rất quan trọng đặc biệt là những người tham gia quản lý tại đơn vị đó.
Nếu cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ, không được đào tạo tốt về chuyên môn, không nắm vững chế độ chính sách BHYT, cũng không đảm bảo về y đức sẽ rất dễ có hành vi lạm dụng trục lợi trong công tác khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn thuốc BHYT. Một bác sỹ, điều dưỡng nếu làm không đúng chỉ ảnh hưởng số lượng ít người bệnh, nhưng ở tầm cao hơn, người quản lý, lãnh đạo, nếu không có các cách làm, quản lý đúng quả sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thời gian qua, Bệnh viện Nhi TW phối hợp tốt với cơ quan BHXH để làm việc này. Cụ thể, đầu tiên là xây dựng quy trình, chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Với quan điểm bệnh ở mức độ nào thì chữa ở mức độ đó, để làm sao bệnh nhân dù nhẹ hay nặng cũng đảm bảo điều trị công bằng như nhau, không có việc lạm dụng đơn thuốc cũng như các chỉ định xét nghiệm, các dịch vụ chăm sóc khác…
Bên cạnh đó, còn 1 điều quan trọng, người làm quản lý, lãnh đạo phải có biện pháp thường xuyên giám sát, kiểm tra và chỉnh đốn. Có như vậy mới giữ được quy chuẩn về lề lối làm việc, chuyên môn cũng như quy trình.
Bác sỹ Lê Thanh Hải đặc biệt nhấn mạnh: phải quay lại vấn đề đào tạo con người, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng - những người trực tiếp phụ trách sức khỏe của người bệnh khi tới bệnh viện. Thứ 2, thường xuyên giáo dục y đức. Thứ 3, phải xây dựng các quy trình chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Sau khi chẩn đoán thì phải áp dụng các biện pháp điều trị tương ứng, tránh lạm dụng các phương tiện chẩn đoán, thuốc men…
Việc sử dụng Quỹ BHYT như thế nào để tái đầu tư mua sắm trang thiết bị bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng là một nội dung được quan tâm. Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Trong năm 2010-2011, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam họp để trình Chính phủ phương án sử dụng phần quỹ kết dư. Tuy nhiên thời điểm đó Chính phủ cho phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế, BHXH Việt Nam có tính toán thấy rằng nếu điều chỉnh quy định sử dụng Quỹ, năm 2013 sẽ bội chi khoảng 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế trình Chính phủ đề nghị nâng mức đóng BHYT từ 4% lên 6%. Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn như thời gian qua Chính phủ chưa đồng ý tăng mức đóng BHYT lên mức 6% do vậy nguồn kết dư phải bổ sung vào nguồn dự phòng của năm 2013 đảm bảo an toàn toàn Quỹ BHYT.
Trao đổi về vấn đề này,Tiến sĩ Phạm Lương Sơn đánh giá: Đây là bài toán để chúng ta đảm bảo đủ nguồn lực tài chính trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Theo tính toán của BHXH Việt Nam số bội chi năm 2013 có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, khi chưa tăng được mức đóng BHYT thì phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng. Trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT thì cũng sẽ có quy định tỷ lệ bao nhiêu % quỹ dự phòng đưa vào sử dụng tại địa phương, bao nhiêu đưa vào quỹ Trung ương.
Một khán giả bày tỏ băn khoăn về chi phí thuốc nhiều (chiếm 60% chi phí khám, chữa bệnh) ảnh hưởng đến Quỹ BHYT , biện pháp nào để giảm chi phí này ?
Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên trả lời: Hiện nay tính toán giá thuốc khoảng 60 – 70% ở một số bệnh viện. Tính toán như vậy là đúng, tuy nhiên hiện nay trong kết cấu về giá dịch vụ y tế chủ yếu là kết cấu về thuốc, hóa chất. Các yếu tố khác như tiền lương, khấu hao tài sản, khấu hao về thiết bị y tế, chi phí đào tạo đội ngũ cán bộ y tế hiện nay chưa được kết cấu vào đó. Nên nếu tính như vậy thì tỉ lệ tiền thuốc sẽ cao. Theo lộ trình Chính phủ cho phép thì chúng ta sẽ từng bước tính đúng được tiền thuốc, lúc đó tỷ lệ chi phí thuốc sẽ thấp hơn. Vừa rồi Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục quản lí Dược đi một số nước để tham khảo giá thuốc, thì thấy tại Thái Lan và Trung Quốc với loại thuốc như vậy, giá của họ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn phải chỉ đạo làm thế nào để giá thuốc vẫn phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn đấu thầu trong các cơ sở khám chữa bệnh. Thông tư 11 hướng dẫn các hồ sơ về mời thầu. Có thể nói việc ban hành Thông tư như vậy tạo ra kết quả rất tốt, các BV đã làm theo đúng hướng dẫn này. Như vậy giá thuốc mua vào của các bệnh viện có phần giảm hơn.
Băn khoăn về chất lượng khám, chữa bệnh BHYT
Một độc giả nêu băn khoăn về thời gian, chất lượng khám,chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện hiện nay. Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên trả lời: Có một số bệnh viện thực hiệnkhông tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ đạo rất quyết liệt, làm thế nào để tạo sự hài lòng cho người bệnh có thẻ BHYT, không phân biệt trong khám chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ. Về quy trình khám chữa bệnh thì một số bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nôi, TP HCM đang quá tải. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định về cải cách hành chính trong bệnh viện. Nếu đi thăm một số bệnh viện như ở Phú Thọ, Bắc Ninh thì thấy rằng phòng khám đã được chỉnh trang tốt, bố trí phòng khám phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin. Tôi có hỏi một số bệnh nhân khám tại BV Phú Thọ thì được biết trước kia phải chờ đợi rất lâu, cả tiếng đồng hồ, nhưng nay đã giảm xuống, quy trình khám bệnh cũng đã có cải tiến. Về phản ánh thời gian khám bệnh chỉ 2-10 phút, đó là khám thực thể còn lại là thời gian xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ để chẩn đoán cụ thể, vì vậy, thời gian chờ đợi của bệnh nhân có thể dài hơn.
Tiến sỹ Phạm Lương Sơn, cho rằng: Chúng ta nên nhìn khách quan hơn về thời gian khám chữa bệnh, không nên chỉ nhìn vào thời gian khám chữa bệnh chỉ 2-10 phút mà phải tính tổng thể về thời gian từ đăng ký đến chỉ định cuối cùng. Thời gian qua, ngành y tế đã có những chuyển biến nhất định, những than phiền về thời gian khám chữa bệnh đã giảm nhiều.
Bác sỹ Lê Thanh Hải cho biết thêm về công tác khám, chữa bệnh BHYT tại bệnh viện Nhi TW: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường từ 15 phòng lên 50 phòng khám hằng ngày để đáp ứng nhu cầu người dân. Hiện một ngày có khoảng 3.000 trẻ đến khám ở BV Nhi TW thì một bác sỹ (với 8 giờ làm việc/ngày) phải khám khoảng 50-60 bệnh nhân. Hiện nay thời gian chờ khám bệnh từ 3-4 tiếng hiện chỉ còn 1-2 tiếng, trừ những trường hợp đặc biệt, đòi hỏi xét nghiệm chuyên sâu.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên cũng chia sẻ: Bộ Y tế đã có nhiều công văn chỉ đạo các bệnh viện phải thực hiện nghiêm Luật khám chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn, trong đó có Nghị định số 92 về xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm vấn đề BHYT. Bộ Y tế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Những trường hợp vi phạm phải xử phạt để làm gương. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là phải thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện cho người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh phải được nâng lên. Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT và các Nghị định liên quan
Nhiều câu hỏi liên quan đến chi trả phí khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi, thủ tục mua BHYT cho người nước ngoài…cũng được trao đổi làm rõ tại buổi toạ đàm trực tuyến
Bộ Y tế đã có nhiều công văn chỉ đạo các bệnh viện phải thực hiện nghiêm Luật khám chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn, trong đó có Nghị định số 92 về xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm vấn đề BHYT. Bộ Y tế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Những trường hợp vi phạm phải xử phạt để làm gương. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là phải thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện cho người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh phải được nâng lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên
T.S Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam
Chúng ta đang có những điều kiện rất thuận lợi, nhất là khi Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Quyết định 538 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình cũng như đưa giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu bao phủ BHYT. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã phân loại các nhóm địa phương để xác định địa phương nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ theo Nghị quyết 21, đặt mục tiêu đến 2015 có tối thiểu 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 phải đạt tối thiểu 80%.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...