Xã hội hóa y tế phải gắn liền với đào tạo, thanh tra
23/08/2013 03:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bên cạnh những mặt tích cực của công tác xã hội hóa trang thiết bị y tế, trong thời gian qua, cũng đã và đang xuất hiện mặt trái tiêu cực. Xung quanh vấn đề này, những người trong cuộc nói gì?
Một ca mổ của TS Trịnh Hồng Sơn tại BV Việt Đức Ảnh: Trần Ngọc Kha
TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nỗi trăn trở: "Một ngày chúng tôi khám cho hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân (BN). Đương nhiên trong quy trình phải tham khảo những kết quả chẩn đoán của đồng nghiệp. Tuy nhiên hầu như không sử dụng được là bao các kết quả này”. Theo ông, các kết quả do máy móc mới có được nhưng cứ cho là máy tốt như nhau, nhưng ở mỗi nơi con người sử dụng nó mỗi khác. Hiện tại có những máy chụp rất tốt, thậm chí chụp 64 lớp cắt mà chất lượng không kém gì máy chụp 125 lớp và ngược lại, máy chụp 125 lớp mà chụp không chuẩn có khi chất lượng không bằng máy chụp 64 lớp.
"Nhưng, một tấm phim, một kết quả xét nghiệm người bệnh phải vất vả, tốn kém mới có được, nay họ trình lại hầu như không sử dụng được?”. TS Trịnh Hồng Sơn cho biết: "Khi test CT (chụp cắt lớp), chúng tôi cân nhắc từng tý một và tư vấn cho người nhà BN. Có những trường hợp không nên làm. Nhiều khi phim chụp ở tuyến dưới xác định kích cỡ khối u, lên đây chúng tôi còn cân nhắc xem có nhất thiết phải mổ hay không. Yếu tố triệu chứng lâm sàng của bệnh mỗi lúc mỗi khác. Ai cũng bảo đã có quy chuẩn rồi, nhưng một BN cụ thể thì lại cần một BS chuyên khoa riêng. Cho nên, chất lượng chẩn đoán là vấn đề khó có thể đánh giá và tin cậy lẫn nhau được”. Nhiều khi không chỉ riêng TS Trịnh Hồng Sơn và các đồng nghiệp ở BV Việt Đức mà tại hầu hết các BV tuyến trên, các BS vẫn phải tiến hành những xét nghiệm, chiếu chụp riêng cho BN.
Về chất lượng chẩn đoán, theo ông Sơn, phụ thuộc rất nhiều vào khâu đào tạo. Một BS, để có thể hành nghề thực sự hiệu quả, phải mất đến 11 năm, như đào tạo nội trú 3 năm sau khi ra trường, BS trẻ đó phải ăn, ngủ và thực hành tại BV để rèn luyện thêm kỹ năng, tay nghề. Là vì, tác nghiệp của BS là tác nghiệp liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người. BS khi hành nghề thường độc lập và phải tự chịu trách nhiệm trong mỗi tình huống xử lý trên cơ thể BN.
Thế nhưng, ông Sơn cho biết: Ngay như tại khóa đại học của ông, trong 50 sinh viên y khoa tốt nghiệp, chỉ có 4 phẫu thuật viên được theo học nội trú ngay sau khi ra trường. Và hiện nay, ông băn khoăn: Chính phủ lại có nghị định quy định SV ra trường làm công chức nói chung, ngành y nói riêng phải sau công tác từ 3 - 5 năm mới được đi học tiếp giai đoạn nội trú. Như vậy trong thời gian này, các BS sẽ làm gì?
TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh: Nghề y là nghề hoạt động độc lập và tính trách nhiệm rất cao đối với người bệnh. Nếu tất cả SV sau khi tốt nghiệp đại học y khoa đều được tiếp tục đào tạo giai đoạn nội trú ngay dưới mọi hình thức thì chỉ sau vài ba năm nữa thôi, sẽ khắc phục được vấn đề chẩn đoán bệnh cũng như thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp không chuẩn diễn ra ở một số nơi hiện nay. Giai đoạn đào tạo nội trú 3 năm này, SV mới ra trường còn đúc rút thêm y đức - một phẩm chất không thể thiếu được trong ngành này. Vì thiếu y đức nên mới xảy ra những tình cảnh đáng buồn vừa qua trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành y tế - ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng về mặt trái của vấn đề xã hội hóa các trang thiết bị y tế, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho hay: Thực ra những trường hợp báo chí nêu chỉ là cá biệt. Nếu không có xã hội hóa như vậy, ngành y khó có thể có được những kết quả khám chữa bệnh trong cộng đồng như ngày nay. Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể, nghiêm ngặt để định hướng các cơ sở y tế thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả và lành mạnh, nhân văn. "Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, cũng phải thừa nhận chúng tôi chưa kiểm tra, kiểm soát hết được cho nên mới xảy ra một số chuyện đáng tiếc như ở BV Đa khoa Hoài Đức vừa qua” - ông Chính thừa nhận. Sắp tới Bộ Y tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này và chắc chắn Bộ phải tăng cường thanh kiểm tra, chấn chỉnh ở mọi tổ chức y tế từ cơ sở đến trung ương, góp phần tích cực đẩy lùi thực trạng lạc hậu, quá tải trong khám, chữa bệnh.
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...