Tăng viện phí - Chất lượng phải xứng tầm

19/12/2013 07:52 AM


Tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm HĐND Tp.Hồ Chí Minh vào ngày 9/12/2013, một lần nữa UBND TP đã trình xem xét thông qua việc tăng viện phí theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính, quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ KCB trong các cơ sở của Nhà nước. Là địa phương chậm nhất trong cả nước chưa tăng viện phí, hiện các cơ sở y tế công của TP vẫn hằng ngày đang phải gồng gánh lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh đổ về . Nếu tiếp tục duy trì mức viện phí như hiện nay, dẫn đến tình trạng bệnh viện phải tự “phát minh” ra nhiều cách thu khác nhau. Mỗi nơi mỗi kiểu không thống nhất, nhiều khoản thu không được minh bạch, rõ ràng, gây bức xúc trong dư luận.


Người dân chấp nhận đóng tiền viện phí cao hơn nhưng đổi lại chất lượng điều trị và thái độ phục vụ, y đức người bác sĩ sao cho phải xứng tầm

Từ khi thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính về quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ KCB trong các cơ sở y tế của Nhà nước có hiệu lực 15/4/2012, đến nay, hơn  1 năm rưỡi trôi qua, TP.HCM vẫn là địa phương duy nhất chưa tăng viện phí. Và trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP lần này, tờ trình tăng viện phí của UBNDTP được HĐND TP thông qua bắt đầu từ ngày 1/6/2014, giá viện phí tại các cơ sở y tế công của TP đồng loạt sẽ bắt đầu tăng.

Hiện nay, các cơ sở y tế công của thành phố đang áp dụng mức thu dựa vào Thông tư 14 đã ban hành  từ năm 1995. Đến nay đã 18 năm, giá cả quy định trong thông tư này đã quá cũ kỹ, lạc hậu, không thể thích ứng được với mặt bằng hiện tại. Cụ thể như quy định công khám bệnh chỉ 2000 đồng/lượt, hay như tiền giường nằm củng chỉ có mấy ngàn/ngày thì cũng không đủ bù vào tiền điện, nước, chi phí và công khám của bác sĩ. Bên cạnh đó, một số dịch vụ cũng được Bộ Y tế điều chỉnh lại ở Thông tư 03 ban hành năm 2006 cũng đã không còn phù hợp. Chính vì thế bảo hiểm y tế căn cứ vào mức giá quy định trong 2 thông tư này để thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện. Nhiều bệnh viện đang khá chật vật xoay nhiều cách để tìm nguồn thu để "bù lỗ".

Chẳng hạn như tại bệnh viện Ung Bướu TP, lượng bệnh nhân ngoại trú và nội trú ở đây lên đến hàng ngàn lượt mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 10% . Bác  sĩ Lê Hoàng Minh- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu phân tích, có đến 80% nguồn thu của bệnh viện là từ BHYT. Riêng các thuốc đặc trị không nằm trong danh mục thì bệnh viện mua về nhượng lại cho bệnh nhân, không có tính lời. Trong khi đó, tiền ngân sách cấp cho bệnh viện chỉ hơn 20% là không đủ để tăng chất lượng KCB. Nếu được tăng viện phí, theo bác sĩ Minh đó là điều kiện thuận lợi để bệnh viện mua sắm trang thiết bị, cải tạo, đầu tư lại phòng khám, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân: "Tăng viện phí làm doanh số thu tăng lên, mình đưa vào kinh phí hoạt động nhiều hơn, có quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm thêm trang thiết bị. Nếu kinh phí hoạt động dồi dào thì chất lượng cũng phải đẩy mạnh hơn".

Một thực tế mà các bệnh viện cũng lo ngại là giá viện phí tại các cơ sở y tế công của thành phố chưa tăng, nên dẫn đến hiện tượng lượng bệnh nhân từ các tỉnh đổ dồn về ngày một nhiều vì chi phí khám thấp hơn do ở các tỉnh, hầu hết đều đã tăng viện phí. Áp lực quá tải lại càng đè nặng lên hệ thống bệnh viện của thành phố. Trước phản ứng của dư luận trong bối cảnh kinh tế khó khăn liệu tăng viện phí trong giai đoạn này có phù hợp, Bs.Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đưa ra ý kiến, nếu viện phí tăng thì nên có lộ trình: "Tăng phải có lộ trình , 65% rồi 75% vì chưa có bảo  hiểm toàn dân, mà thành phố mình thì người dân tham gia BHYT vẫn chưa cao lắm. Nếu tăng lên thì quỹ bảo hiểm không đáp ứng được".

Với giá biểu khám theo quy định quá lạc hậu như hiện nay, lãnh đạo nhiều cơ sở y tế khá đau đầu khi phải đứng trước bài toán vừa đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sỹ, đảm bảo chất lượng KCB và thực hiện các chính sách nhân đạo với những bệnh nhân nghèo, không có tiền chữa chạy. Bs.Nguyễn Văn Vĩnh Châu  - Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới nêu thực tế: "Hiện giờ, với giá cũ mà bệnh nhân còn không có tiền, bệnh nặng phải dùng kháng sinh đắt tiền mà bệnh nhân không có tiền thì bệnh viện phải cứu bệnh nhân, tiền thì bệnh viện chịu. Đó cũng là việc đau đầu, là gánh nặng".

Theo tờ trình của Ủy ban trình lên HĐND TP, thì mức tăng viện phí của Tp.HCM cũng sẽ thực hiện theo lộ trình tăng dần. Bắt đầu từ ngày 1/6/2014, sẽ tăng giá đối với các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe,  giá giường bệnh và hơn 470 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm với mức bằng 75% khung giá do Bộ Y tế quy định, đến ngày 1/6/2015 sẽ tăng với mức bằng 85% và sang năm 2016 sẽ tiến đến 100% khung giá của Bộ Y tế. Ông Trần Văn Năm - ngụ quận Tân Phú nêu ý kiến nếu tăng viện phí, thì đối tượng rất lớn sẽ bị ảnh hưởng đó là dân nhập cư lên thành phố: "Ở phương xa tới, Bắc Trung Nam đều có những người lao động rất cực khổ, đa số là những NLĐ buôn gánh bán bưng, đây là đối tượng rất chịu ảnh hưởng, dễ bệnh hoạn vì vậy họ sẽ bị ảnh hưởng của tăng viện phí, còn những người khá giả hơn thì ít chịu tác động hơn".

Việc nên hay không nên tăng viện phí đã được đặt lên bàn thảo luận trong các kỳ họp trước. Mối băn khoăn giữa việc phải chịu thêm phần áp lực vì người dân phải trả thêm chi phí KCB với việc ngành y tế cũng không thể nào cứ cầm chừng mãi một mức giá. Hầu hết cử tri đòi hỏi, người dân chấp nhận đóng tiền viện phí cao hơn nhưng đổi lại chất lượng điều trị và thái độ phục vụ, y đức người bác sĩ sao cho phải xứng tầm./.

Nguồn: voh.com.vn