Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi: Gia tăng chế tài để phòng, chống nạn "trục lợi" bảo hiểm xã hội

12/05/2014 09:39 AM


Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi có một số điểm mới như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH, xử lý nghiêm vi phạm BHXH..., nhằm hạn chế tình trạng trục lợi, nợ đọng BHXH, hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người lao động.


Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nguồn: internet

Sau hơn 7 năm thực hiện, Luật BHXH bên cạnh mặt tích cực đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến…Dự thảo Luật BHXH với nhiều điểm mới, nếu được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Thiếu chế tài xử phạt, nợ đọng BHXH kéo dài

Thực tế, quá trình triển khai Luật BHXH đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, đối tượng tham gia BHXH tăng lên qua các năm, nếu năm 2006 chỉ có 6,7 triệu người tham gia thì đến nay đã có hơn 10,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chi trả các chế độ BHXH cho người lao động được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH ngày càng được hoàn thiện…

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH cũng bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH một phần do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng BHXH bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm, trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Theo báo cáo của cơ quan BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế lũy kế đến hết tháng 3/2014 là 11.187,6 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 8.010 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp (DN( trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến, mới đây tại hội thảo về chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo BHXH cho biết, cả nước có khoảng 300.000 DN đang hoạt động nhưng chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH (50% DN còn lại không tham gia BHXH).

Cơ quan BHXH đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng trên nhưng kết quả còn hạn chế, khi kiểm tra phát hiện sai phạm phải chờ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xử lý...

Đặc biệt, một số quy định trong Luật không phù hợp, dẫn đến tình trạng DN lách luật trốn đóng BHXH. Cụ thể, theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động, tuy nhiên, để giảm số tiền đóng BHXH, nhiều DN khai mức lương thấp, thậm chí có DN chỉ tham gia đóng BHXH cho người lao động ở mức lương tối thiểu.

Một số quy định về điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chưa tạo sự bình đẳng; quy định cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần, chưa phù hợp với mục tiêu của bảo hiểm xã hội là nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động...

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Luật hóa đối tượng đang thực hiện gồm người quản lý, điều hành DN, hợp tác xã hưởng lương...

Đặc biệt, dự thảo đã sửa đổi mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng bỏ quy định đóng BHXH theo mức lương trong hợp đồng bằng mức lương tối thiểu chung để đảm bảo tính công bằng tránh tình trạng lách luật giảm mức đóng BHXH như hiện nay.

Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm BHXH, dự thảo quy định mức phạt lãi đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng để chống trục lợi quỹ BHXH, giảm tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH, dự thảo nêu rõ bổ sung thẩm quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền.

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động.

Một số quy định về tuổi nghỉ hưu, căn cứ đóng BHXH, công thức tính lương hưu trong dự thảo Luật sẽ có tác động tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nên đang được nghiên cứu kỹ và có lộ trình thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện lao động, đặc điểm sức khỏe của người lao động...

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn