Trẻ em làm việc quá mức!

06/12/2013 01:10 AM


Nhiều cơ sở làm gạch tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT, sử dụng lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc…


Vừa qua, trong lúc làm việc, cháu nội tôi bị máy ép gạch nghiền nát 5 ngón chân. Khi vết thương bị nhiễm trùng, tôi có đề nghị chủ cơ sở hỗ trợ thêm tiền để cháu tiếp tục điều trị nhưng không được giải quyết”. Đây là phản ánh của bà Đặng Thị Bé - bà nội của em Lâm Văn Dương (15 tuổi), đang làm việc tại cơ sở gạch Phương Nam, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng mới đây.

Bà cháu cùng khổ

Bà Bé cho biết tháng 5-2012, Dương theo bà đến làm việc tại cơ sở gạch Phương Nam. Lúc đầu, Dương làm công việc đẩy gạch đi phơi, sau đó xin sang làm ở khâu bỏ đất vào máy làm gạch. Ngày 6-7, do đất bị nghẹn ngay họng máy nên Dương nhảy lên đạp và bị máy nghiền nát 5 ngón chân phải. Sau khi bị nạn, Dương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) huyện Phú Giáo, tiếp đó được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Bình Dương, rồi BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM để điều trị. Khi xảy ra vụ việc, ông Lê Hải Nam, chủ cơ sở gạch Phương Nam, đã hỗ trợ Dương 20 triệu đồng. Sau khi điều trị, vết thương ở chân bị nhiễm trùng nên gia đình có đề nghị chủ cơ sở hỗ trợ thêm tiền nhưng không được giải quyết.

Bà Bé cho biết thêm mỗi ngày, bà và Dương bắt đầu làm việc từ 1 giờ sáng đến 9 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, tiền lương từ 500.000 đồng đến 1,7 triệu đồng/người/tháng. “Tôi không muốn cháu đi làm sớm nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu phải theo tôi đi làm kiếm sống. Ba mẹ của Dương bỏ nhau từ khi nó được 3 tuổi và Dương ở với tôi từ đó đến nay. Tai nạn xảy ra không ai mong muốn nhưng hiện cháu mất 5 ngón chân, vết thương lại bị nhiễm trùng khiến gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn. Viết thương như vậy không biết sau này cháu làm gì để sống” - bà Bé rầu rĩ.

Tai nạn là... bình thường!

Ông Lê Hải Nam, chủ cơ sở gạch Phương Nam, cho biết sau khi tai nạn lao động xảy ra, cơ sở đã hỗ trợ Dương 20 triệu đồng. Vừa qua, cơ sở cũng cam kết hỗ trợ thêm cho Dương 10 triệu đồng để điều trị vết thương nhưng gia đình lại đề nghị đến 20 triệu đồng. Ông Nam cũng thừa nhận hiện cơ sở sử dụng 30 lao động nhưng không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT; người lao động bắt đầu làm việc từ 1 giờ đến 9 giờ sáng, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Do trả lương sản phẩm nên người lao động tranh thủ làm việc để có nhiều sản phẩm. Còn việc sử dụng lao động trẻ em, ông Nam thừa nhận là có vì những người lớn khi vào làm việc ở đây thường dắt theo trẻ em. “Đây là công việc đặc thù nên nếu có một người vào làm thì họ thường dẫn người thân vào cùng làm; người lao động hay thay đổi chỗ làm, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Và chuyện tai nạn lao động xảy ra trong quá trình làm việc là chuyện hết sức bình thường” - ông Nam nói.

Ông Lưu Thế Thuận, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Giáo, cho biết sẽ phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Theo ông Thuận, trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có khoảng 25 cơ sở làm gạch sử dụng hàng trăm lao động, trong đó có lao động trẻ em. Tất cả cơ sở này đều không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Cơ quan chức năng không kiểm tra

Ông Cao Thanh Xuân, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Giáo, cho biết trường hợp của Dương, Phòng LĐ-TB-XH huyện có mời chủ cơ sở lên làm việc. Chủ cơ sở gạch Phương Nam đã cam kết bồi thường cho Dương. Về việc tồn tại của các cơ sở làm gạch, ông Xuân nói lúc đầu, UBND tỉnh Bình Dương gia hạn hoạt động đến ngày 31-12-2013 nên trong năm 2013, cơ quan chức năng huyện Phú Giáo không kiểm tra. Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục gia hạn đến tháng 6-2014. Sắp tới, Phòng LĐ-TB-XH huyện kiến nghị UBND huyện Phú Giáo kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.

Theo Báo Người lao động