Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi): Thực hiện BHYT toàn dân; phát triển hệ thống an sinh xã hội
05/12/2013 06:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 28/11/2013, trong chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII, Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 97,59% (486/488). Tại Điều 58 và 59, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) khẳng định ý chí “thực hiện hiện bảo hiểm y tế toàn dân” và “tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”.
Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
Dự thảo Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Hiến pháp sửa đổi được thông qua khẳng định: Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng được khẳng định trong Hiến pháp sửa đổi: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Các vấn đề cơ bản của kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường cũng được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi.
Các vấn đề quan trọng khác như tổ chức, hoạt động của Quốc hội, vị trí vai trò của Chủ tịch nước; tổ chức, hoạt động Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương; vấn đề thu hồi đất, vai trò của kinh tế nhà nước… được quy định trong Hiến pháp sửa đổi.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nêu tại Điều 58. Khoản 1 Điều 58 nêu rõ: Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Khẳng định mục tiêu hướng tới xây dựng sự nghiệp An sinh xã hội, Điều 59 Hiến pháp sửa đổi nêu: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thông qua với 97,59 % đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này là bản dự thảo được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học; là kết quả quá trình làm việc nghiêm túc, cần mẫn và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân. Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, của đại đa số các đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân.
Sau khi thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp sửa đổi. Theo đó, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 ./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...