Các nước LDC thất bại trong việc tạo thêm việc làm

26/11/2013 03:02 AM


Theo người đứng đầu Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Mukhisa Kituyi, bất chấp đà tăng trưởng kinh tế mạnh, các quốc gia nghèo nhất hành tinh (LDC) đều chưa thành công trong việc tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.


Bản đánh giá của UNCTAD về các quốc gia kém phát triển nhất thế giới (LDC) cho biết trong thập niên qua, 49 quốc gia nằm trong danh sách của UNCTAD đều đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh, song vẫn tạo được quá ít việc làm cho người dân. Đây thực sự là một vấn đề khi lượng dân số trẻ của các nước LDC, trong đó có 34 nước ở châu Phi, sẽ tăng gấp đôi lên 1,7 tỷ người vào năm 2050 và khoảng 16 triệu người dự kiến sẽ tham gia vào thị trường lao động mỗi năm.

Trong giai đoạn từ năm 2002-2008, kinh tế các nước LDC tăng trưởng trung bình 7,5%/năm, song tỷ lệ tạo việc làm mới chỉ khoảng 2,9%, thậm chí tại một số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất số lao động có việc làm còn giảm sút. Tại Angola, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi, GDP tính trên đầu người đã tăng gần 92% trong cùng kỳ, trong khi tỷ lệ người có việc làm lại giảm 2,3%. Dầu mỏ đóng góp gần 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của Angola và t hực tế này đã đẩy GDP tính trên đầu người tại đất nước này lên khoảng 10.000 USD và đưa Luada trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 30%.

Taffere Tesfachew, người phụ trách chương trình về LDC tại UNCTAD nhận định nhiều nước LDC không đầu tư đủ vào các lĩnh vực tạo ra việc làm như chế tạo, công nghệ, cải tạo nông nghiệp. Vì thế, không chỉ đánh mất cơ hội giảm tỷ lệ thất nghiệp mà còn để tuột mất cơ hội giảm nghèo. Ước tính, khoảng 60% người dân sống tại các nước LDC ở độ tuổi dưới 25. Điều này đồng nghĩa với việc các nước này cần tạo 95 triệu việc làm mới vào năm 2020 và thêm 160 triệu việc làm nữa vào 2030.

UNCTAD kêu gọi cần có các bước đột phá trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tạo thêm việc làm chất lượng hơn. Mặc dù các nước kém phát triển có mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khá cao trong giai đoạn 2002- 2008 nhưng những tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế đã không giúp tăng tỷ lệ việc làm. Trên thực tế, một số quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhưng tỷ lệ tạo việc làm lại tương đối thấp. Với xu hướng dân số tăng tại các quốc gia kém phát triển đòi hỏi hàng triệu việc làm mới phải được tạo ra mỗi năm trong những thập kỷ tới. Vì vậy, các quốc gia kém phát triển phải từng bước cải thiện tăng trưởng GDP, tạo việc làm, có điều kiện làm việc an toàn và thông qua đầu tư để phát triển năng lực sản xuất.

Theo SGTT