Nhọc nhằn tăng ca

14/11/2013 06:35 AM


Do mức lương thấp, nhiều công nhân chấp nhận và mong muốn được làm ngoài giờ, thêm giờ (tăng ca) để có thêm thu nhập.


Vất vả mưu sinh

17 giờ, công nhân ở các nhà máy trong Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tan ca. Hầu như ai cũng thấm mệt sau một ngày làm việc cật lực. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo - công nhân Công ty TNHH Long Shin tranh thủ về nhà trọ gần đó cho con bú, rồi quay lại Công ty tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Chị Thảo cho biết: “Tổng mức lương cơ bản hàng tháng của hai vợ chồng được hơn 5 triệu đồng, không đủ chi tiêu nên chúng tôi phải làm thêm giờ để có thu nhập trang trải cuộc sống. Mỗi ngày tăng ca 2 giờ, thu nhập hàng tháng của tôi tăng thêm được 2 triệu đồng. Hiện nay, việc làm thêm giờ cũng rất thất thường vì Công ty đang gặp khó khăn”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (45 tuổi, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) - công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam cũng phải vất vả tăng ca vì lương cơ bản không đủ sống. Chị Hoa cho biết: “Lương căn bản của tôi hơn 3 triệu đồng/tháng, nhờ có tăng ca nên tổng thu nhập mới được 5 triệu đồng/tháng. Nếu không có thêm khoản thu nhập từ tăng ca thì tôi không biết xoay xở ra sao để lo tiền ăn học cho 4 đứa con, tiền thuốc cho bố và con gái đầu bị bệnh”. Hoàn cảnh gia đình chị Hoa rất éo le, chồng mất sớm để lại cho chị 4 đứa con trong độ tuổi ăn, học. Để có thêm thu nhập, ngoài việc làm ở công ty, chị đã vay vốn xóa đói giảm nghèo để đầu tư chăn nuôi gà, heo. Không may, khi đàn heo, gà gần đến ngày xuất bán thì lại bị bệnh chết. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của chị tan biến, kèm theo đó là khoản nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng.

Quàng lên vai gánh nặng gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyên - công nhân Công ty TNHH một thành viên Rapexco Đại Nam (Khu công nghiệp Bình Tân, TP. Nha Trang) cũng phải làm ngoài giờ. Do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn nên Công ty không tăng ca. Làm việc 8 giờ/ngày, chị nhận được mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, quá thấp để có thể trang trải cuộc sống gia đình và việc học hành của con cái. Chị nhận hàng gia công về làm tại nhà, nhờ đó kiếm thêm được 2 triệu đồng/tháng. “Tiền thuê nhà, điện, nước cũng đã ngốn hết gần 2 triệu đồng/tháng. Dù vất vả tôi vẫn phải cố gắng làm” - chị Tuyên bộc bạch.

Vắt sức để tăng thu nhập

Do lo toan cuộc sống mà nhiều công nhân quên đi sức khỏe của bản thân. Phần lớn những công nhân chúng tôi tiếp xúc đều cho biết, họ bị đau nhức, choáng, thường xuyên mắc các bệnh như: cảm sốt, nhức đầu, đau dạ dày… vì phải làm việc quá sức, dinh dưỡng không bảo đảm. Đến thăm chị Nguyễn Thị Thu Thảo lúc gia đình chị đang chuẩn bị bữa cơm tối. Chúng tôi ái ngại khi thấy mâm cơm chỉ có rau luộc, trứng chiên và mấy con cá nục kho. Chị Thảo nói: “Có tiền tăng ca nhưng cũng chỉ đủ ăn thế này. Có trứng, có cá để ăn là tốt lắm rồi. Nhiều khi tăng ca về mệt nhừ, đói lả, thèm tô bún nhưng lại không dám mua. Buổi tối, tôi thường xuyên bị đau nhức vì phải đứng làm việc cả ngày. Mặc dù mệt tôi vẫn phải cố gắng làm việc”. Còn chị Nguyễn Thị Lan - công nhân Công ty TNHH Sakura (Khu công nghiệp Bình Tân, TP. Nha Trang) cho biết, tăng ca nhiều khiến sức khỏe suy giảm. Khi mới vào Công ty này làm việc, chị nặng 53kg, nhưng 3 năm sau chỉ còn 45kg. “Biết là cực khổ, sức khỏe suy giảm, nhưng vì miếng cơm, manh áo nên tôi phải chấp nhận, ráng làm được đồng nào hay đồng ấy. Chỉ lúc nào bị bệnh nặng phải vào bệnh viện mới nghỉ, còn bị bệnh thông thường, tôi vẫn cố gắng đi làm để bảo đảm thu nhập lo cho cuộc sống” - chị Lan chia sẻ.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, tình trạng công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, suy giảm sức khỏe do làm việc quá sức ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, qua khám sức khỏe cho hơn 20.000 người lao động tại hơn 130 doanh nghiệp (DN), đơn vị đã phát hiện hơn 500 người có biểu hiện mắc bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, qua việc lấy gần 10.000 mẫu đo về môi trường lao động (bụi, ánh sáng, tiếng ồn, rung, hơi khí độc, phóng xạ, điện từ trường, vi sinh không khí, nhiệt độ, bức xạ tử ngoại…) của hơn 100 DN, đã phát hiện hơn 1.000 mẫu đo không đạt tiêu chuẩn môi trường lao động, có ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân. Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến sức khỏe người lao động bị suy giảm là do làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất, môi trường làm việc trong các DN chưa được đảm bảo, đặc biệt là lao động nữ… Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người lao động, rất cần sự quản lý chặt chẽ từ các ngành chức năng. Đồng thời, các DN cần quan tâm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về làm thêm giờ. Có như vậy, người lao động mới đảm bảo sức khỏe trong sản xuất, gắn bó lâu dài với DN.

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hiện nay, các doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ không báo cáo cho ngành chức năng nên rất khó quản lý. Khi thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp làm sai nhưng vẫn báo đúng quy định. Chỉ khi nào xảy ra vấn đề như: công nhân đình công, tai nạn lao động… thì chúng tôi mới có thể phát hiện được sự việc.

Điều 106, Bộ luật Lao động quy định về làm thêm giờ

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Theo PL&XH