Hồi chuông cảnh báo về chất lượng việc làm của Việt Nam

08/11/2013 08:42 AM


Hiện nay người lao động vẫn chú trọng vào những lợi ích ngắn hạn như tiền lương, tiền thưởng, hơn là những lợi ích trung hạn và dài hạn của công việc như chế độ đào tạo, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc hiện đại...


Công tác lao động việc làm của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhìn theo góc độ sâu hơn về chất lượng việc làm, kết quả ban đầu của nghiên cứu “Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Hiện trạng và sức ép thay đổi”, thực hiện bởi Chương trình Xếp hạng Quốc gia về Việc làm (BestViet), dưới sự bảo trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tạp chí Lao động& Xã hội, cho thấy công tác lao động việc làm của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Có một số lượng lớn lao động chưa có “việc làm xứng đáng” (decent work) cho dù họ không thất nghiệp. Chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 đang gióng lên hồi chuông báo động. Trên một nửa lao động thanh niên phải làm những công việc năng suất thấp. Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời). Tới thời điểm cuối năm 2012, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, chỉ có chưa đến 10% lực lượng lao động có được những công việc tốt, với tư cách là nhà quản lý, hoặc người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Đại đa số người lao động đang làm những công việc giản đơn (40,44%) hoặc dịch vụ cá nhân hoặc bảo vệ bán hàng (16,07%). Có một sự lãng phí lớn trong sử dụng lao động ở Việt Nam. Cứ 10 thanh niên 15-29 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.

Trong bối cảnh đó, kết quả điều tra của BestViet cho thấy đang có một xu hướng thay đổi khá căn bản về nhu cầu thị trường lao động cũng như nhu cầu của từng người lao động khi nhìn nhận về một công việc tốt và một nơi làm việc tốt. Nhìn chung, người lao động Việt Nam đã bắt đầu có những định hướng hoài bão hơn trong mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Khi được yêu cầu lựa chọn tối đa 3 mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất trong 9 mục tiêu nghề nghiệp được liệt kê, đa phần người lao động Việt Nam (70%) vẫn coi “một công việc ổn định và đủ sống” là mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất. Tuy nhiên, đã có khá nhiều người lao động đánh giá cao việc phải trở thành chuyên gia sâu hoặc mục tiêu tự lập trong việc làm. Việc nhấn mạnh vào mục tiêu nghề nghiệp “trở thành chuyên gia trong ngành nghề của mình” là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy người lao động đã chú trọng hơn vào việc phát triển các kỹ năng chuyên môn. Tại các nghiên cứu tương tự trên thế giới, mục tiêu “đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” thường đứng đầu trong số các mục tiêu sự nghiệp, tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ tiêu này chỉ đứng thứ tư trong số 9 chỉ tiêu xếp hạng.

Kết quả điều tra của Chương trình Xếp hạng quốc gia về việc làm BestViet cho thấy lương, thưởng và đãi ngộ vật chất giữ vai trò quan trọng hàng đầu theo đánh giá của người lao động về nơi làm việc tốt nhất (được đánh giá với tỷ lệ 32% khi người lao động được hỏi về phân chia tầm quan trọng của 4 yếu tố tạo nên nơi làm việc tốt). Tiếp theo các đãi ngộ vật chất, đặc tính nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến cũng được người lao động nhìn nhận là yếu tố quan trọng quyết định sự hấp dẫn của nơi làm việc với tỷ lệ đánh giá là 27%. Các vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay uy tín doanh nghiệp được đánh giá với tỷ lệ tương ứng là 21 và 20%. Bối cảnh khó khăn, lạm phát cao, chi phí sinh hoạt gia tăng nhanh khiến cho người lao động phải hy sinh các lợi ích dài hạn để tập trung vào mục tiêu bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống. Dù vậy, điều đó cũng đồng nghĩa là khả năng gia tăng năng suất lao động trong tương lai của người lao động bị hạn chế, và đó là một xu hướng tiêu cực trong môi trường làm việc Việt Nam.

Theo PLO