Dở khóc, dở cười vì… hợp đồng miệng
18/02/2014 12:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau Tết, nhiều gia đình tiếp tục lao đao chuyện tìm người giúp việc (NGV), bởi nhiều "ô-sin” về quê nghỉ Tết đã "một đi không trở lại”. "Cháy” NGV, khóc dở mếu dở vì…NGV "chảnh”…là điệp khúc quen thuộc tại những thành phố lớn sau Tết. Theo đánh giá của các chuyên gia, đó là thực trạng tất yếu của thói quen hợp đồng miệng, không có ràng buộc về pháp lý giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Giúp việc gia đình là nghề cần được xây dựng quan hệ pháp lý Ảnh: Hoàng Long
Rối như tơ vò vì ô sin… "chảnh”
Mùng 6 Tết, nhiều cơ quan bắt đầu đi làm trở lại, trong khi đó, NGV thì vẫn ở quê chưa lên, còn trẻ nhỏ thì chưa đi học. Chính vì vậy, không ít gia đình rơi vào tình cảnh rối như tơ vò vì… "ôsin”.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay chị Lê Thị Thu Phương ở Bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) thực hiện chiêu "găm” tiền thưởng Tết nhằm dụ NGV lên sớm. Tiền thưởng Tết cho NGV 3 triệu đồng, nhưng trước Tết chị Phương chỉ đưa 1 nửa, 1 nửa nếu đúng mùng 6 lên sẽ gửi, cộng với tiền mừng tuổi 500 ngàn đầu năm. Tuy nhiên đến 10h tối ngày mùng 6 vẫn không thấy NGV lên, gọi điện thì chị giúp việc mếu máo bảo đứng bắt xe cả ngày không được, hẹn mùng 7 sẽ lên. "5h chiều mùng 7 vẫn không thấy NGV đâu, gọi điện thì chị giúp việc thản nhiên bảo không lên nữa vì có mối khác trả lương cao hơn nhà chị”, chị Phương bức xúc.
Không phải chỉ mình gia đình chị Phương chịu cảnh rối như tơ vò, thực tế, có rất nhiều gia đình có con nhỏ, có người già cũng rơi vào trường hợp khổ sở khi ôsin nghỉ việc sau Tết. Như gia đình anh Lý ở Cầu Giấy (Hà Nội) có hai cháu nhỏ. Cháu lớn đã đi nhà trẻ, cháu nhỏ phải có người ở nhà bế ẵm hàng ngày. Vì cô bé giúp việc chưa đi làm lại, mà ngày nghỉ Tết đã hết nên vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ phép để ở nhà trông con.
Chuyện NGV hết Tết chưa muốn lên vì còn mải đi cấy, đi hội hoặc lấy cớ để tăng lương không phải là chuyện hiếm. Nhiều người bí quá đành gọi đến các trung tâm chuyên giới thiệu NGV, nhưng cũng rất ít khi suôn sẻ vì thông thường NGV do các trung tâm giới thiệu thì chỉ ở một vài tháng là… chuồn, trong khi gia đình cũng tốn kha khá một khoản cho trung tâm khi dẫn mối. Chưa kể một số gia đình tá hỏa khi phát hiện ra mất cả đồ đạc với những NGV kiểu này.
Cần sớm đưa nghề giúp việc vào danh mục nghề quốc gia
Mặc dù nhu cầu thuê NGV tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng công việc này vẫn chưa được coi là một nghề chính thức. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 98,7% số NGV tại các thành phố lớn là nữ, khoảng 1/3 góa chồng, ly hôn hay không có chồng con. Dự báo số lượng việc làm trong ngành "hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình” năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 63% so với năm 2008. Tuy nhiên, hiện phần lớn người sử dụng lao động và người lao động chỉ thỏa thuận bằng hợp đồng miệng mà không có bất kỳ ràng buộc nào về mặt pháp lý.
"Hợp đồng bằng văn bản sẽ bảo đảm lợi ích cho các bên. Trong trường hợp không có hợp đồng, NGV dễ bị lạm dụng do làm việc kéo dài, khó phân định thời gian, công việc. Về phía người sử dụng lao động sẽ gặp nhiều phiền phức khi NGV tự ý bỏ việc giữa chừng. Việc xây dựng chính sách cho nhóm lao động này là việc làm cần thiết để bảo vệ người lao động cũng như quản lí các cơ sở môi giới, đào tạo”, ILO khuyến cáo.
Thực tế tại cuộc hội thảo "Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan” do Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, có ý kiến đề xuất đưa giúp việc gia đình chính thức trở thành một nghề trong danh mục nghề quốc gia. Khi đó, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề… và sẽ tránh được những kỳ thị, phân biệt từ xã hội.
Theo TS. Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Health Bridge Canada tại Việt Nam, nguyên nhân gốc rễ của thực trạng "cháy” NGV, khóc dở mếu dở vì NGV sau Tết là do không có ràng buộc về pháp lý nên NGV không có trách nhiệm phải lên đúng hẹn. Xuất phát từ bất cập này, Luật Lao động sửa đổi 2012 đã đưa NGV vào quy định trong Luật. Tuy nhiên, Luật có thể đi vào đời sống hay không thì vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Và trong khi chờ Luật thì thực trạng trên vẫn sẽ tiếp diễn.
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...