Buồn nhất vẫn là người bệnh

25/03/2014 09:25 AM


Tại phiên họp Chính phủ về dự án Luật Dược sửa đổi, một lần nữa, “quả bóng” quản lý giá thuốc được Bộ Y tế đẩy về phía Bộ Tài chính. Lý do mà Bộ Y tế trả gánh nặng quản lý giá thuốc, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, là sau 8 năm thực thi quản lý giá thuốc theo Luật Dược, còn tồn tại nhiều.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Theo Bộ Y tế, việc quản lý giá thuốc nên chuyển qua Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đầu mối về giá trước Chính phủ  thay vì giao cho Bộ Y tế như quy định hiện hành để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu công khai, minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã từ chối với lý do bộ này không am hiểu chuyên môn.

Cũng không khó hiểu khi “quả bóng” được đá qua đá lại trong nhiều năm qua. Bởi so với một số lĩnh vực như cấp phép lưu hành hoặc duyệt quảng cáo thuốc, quản lý giá thuốc đúng là vừa mang tiếng lại dễ bị “soi”. Như vậy, sau 8 năm kể từ khi Luật Dược được ban hành, câu chuyện “ai quản lý giá thuốc” lại được xới lên, “quả bóng” giá thuốc tiếp tục được đá qua đá lại và đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh.

Những năm qua, dù đã có Luật Dược, có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng quản lý giá thuốc vẫn có nhiều vấn đề. Gần đây nhất, với Thông tư 01 và 11 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc và lập hồ sơ mời thầu mua thuốc, việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện đã được cải thiện, giá nhiều loại thuốc đã được giảm xuống. Tuy nhiên, không lâu sau đó, hàng loạt vấn đề xuất hiện, trong đó có tình trạng thuốc giá rẻ trúng thầu dẫn đến nguy cơ  thuốc chất lượng kém “lọt” vào bệnh viện...

Mặc dù không gây ồn ào dư luận, không tác động mạnh đến tâm lý người dân như khi tăng giá xăng dầu hay giá điện nhưng thuốc chữa bệnh được coi là một trong những mặt hàng có sức tăng mạnh nhất tại thị trường tự do. Mỗi lần thuốc chỉ tăng “nhỏ giọt” 3%-5% nhưng cộng lại các đợt tăng thì chẳng mặt hàng nào sánh bằng! Nhiều năm qua, chỉ số giá dược phẩm y tế thường đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu và không có những đợt tăng giá đột biến. Thế nhưng, trong thực tế, giá các loại thuốc mới, thuốc chuyên khoa, biệt dược vẫn “nhảy múa” và bình ổn ở... mức cao.

Không phải hầu hết khách hàng đều “mù” và “câm” về giá thuốc nhưng dược phẩm luôn là mặt hàng mà người mua hiếm khi lấy bệnh tình của họ ra để mặc cả. Tâm lý này chắc chắn sẽ tiếp tục bị  những kẻ đầu cơ thuốc khai thác.

Nguồn Người lao động