Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng ở mức cao hơn

31/03/2014 08:30 AM


Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, khi nền kinh tế phục hồi, phát triển khá hơn thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng ở mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sớm hơn.

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công tại cuộc họp ngày 17-3-2014 của ban này về việc cho ý kiến Tờ trình Bộ Chính trị về việc triển khai Kết luận số 63-KL/TW ngày 27-5-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.


Sản xuất giày tại Công ty Việt Nam Samho TP HCM. ẢNH: KHÁNH AN

Tại thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị. Trong đó, đáng chú ý là về tiền lương khu vực doanh nghiệp (DN), tiếp tục thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và tình hình sản xuất kinh doanh của các DN; khuyến khích DN phát triển, bảo đảm việc làm cho NLĐ. Khi nền kinh tế phục hồi, phát triển khá hơn thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng ở mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sớm hơn.

Song song đó, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tiền lương đối với viên chức quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước quản lý (đã quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ); đồng thời nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý tiền lương đối với công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước; bổ sung đánh giá về thực hiện mức lương tối thiểu trong các DN FDI, DN dân doanh; thực hiện trả lương cho NLĐ và viên chức quản lý DN Nhà nước, DN cổ phần.

Về tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng lưu ý trên cơ sở báo cáo nguồn do Bộ Tài chính cung cấp, bổ sung thêm phương án điều chỉnh mức lương cơ sở theo khả năng ngân sách.

Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam rà soát nhanh việc thực hiện mức lương tối thiểu trong các DN FDI, DN dân doanh; thực hiện trả lương cho NLĐ và viên chức quản lý DN Nhà nước, DN cổ phần để gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung vào Tờ trình Bộ Chính trị. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cần hoàn chỉnh các đề án được phân công, trong đó cần đề xuất lộ trình thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công.


Công nhân Công ty GiàyTích Hanh (TP HCM) kiểm tra chất lượng sản phẩm. ẢNH: KHÁNH CHI

Đối với các Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần khẩn trương xây dựng đề án triển khai thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý đến năm 2020, trong đó xác định rõ lộ trình, dự kiến khu vực có thể tự đảm bảo nguồn chi trả tiền lương, mức lương thực hiện; tính toán sơ bộ nguồn kinh phí tạo ra được từ việc thực hiện đổi mới cơ chế sự nghiệp có thể sử dụng để cải cách tiền lương.

Theo NLĐ