Hướng dẫn chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu

28/03/2014 01:40 AM


Liên bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 11/2014/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05/03/2014 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.


Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị không hưởng từ ngân sách  nhà nước; quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại Chương IV Nghị định số 32 ngày 16/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân hưởng lương theo bảng lương cấp hàm cơ yếu và bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu.

Người làm công tác cơ yếu đủ điều kiện nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo quy định tại Điều 27 Luật Cơ yếu, được hưởng chế độ trợ cấp một lần thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp khi người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo quy định tại Điều 27 Luật Cơ yếu thực hiện như sau:

- Người làm công tác cơ yếu có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên: nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;

- Những người không thuộc đối tượng quy định trên: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

- Tuổi để xác định người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu trước tuổi so với hạn tuổi cao nhất theo quy định ít nhất là 01 năm (đủ 12 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi người làm công tác cơ yếu nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng.

- Đối với các trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt, trong các loại hồ sơ không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ xác định được năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 7 năm sinh của đối tượng để làm căn cứ tính tuổi nghỉ hưu...

Nguồn TC BHXH