Người nghèo sẽ không phải đóng viện phí

26/03/2014 08:55 AM


Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh phải cùng chi trả 5%, nhóm người cận nghèo phải cùng chi trả 20%... Tuy nhiên, trong dự thảo Luật BHYT đang sửa đổi, bổ sung, người nghèo sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi những quy định này được bãi bỏ.

Tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 24/3, ThS. Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với người thuộc hộ cận nghèo... như hiện nay đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi, dự thảo Luật BHYT sửa đổi quy định người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay bằng 95% như hiện nay; còn đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo cũng được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thay bằng mức 80% như hiện nay.


Khi tham gia BHYT, người nghèo sẽ không phải trả tiền khám, chữa bệnh. Ảnh: Trần Minh

Không chỉ người nghèo, người cận nghèo được nâng quyền lợi khi tham gia BHYT mà các đối tượng khác nếu tham gia BHYT liên tục cũng sẽ được tăng mức chi trả viện phí. Theo đó, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ cao chi phí lớn... Cùng với đó, mức hưởng BHYT cũng được nâng từ 80% lên 100% chi phí với đối tượng tham gia BHYT là thân nhân của người có công.

Quỹ 139 ở địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ người nghèo

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có 14 triệu người thuộc diện hộ nghèo được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT. Năm 2013, tổng số tiền mà người nghèo phải cùng chi trả chiếm khoảng 100 tỷ đồng. Tuy vậy, việc bãi bỏ cùng chi trả với người nghèo và người cận nghèo chỉ còn phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh sẽ không ảnh hưởng đến việc cân đối Quỹ BHYT. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, kể cả khi người nghèo được Quỹ BHYT thanh toán 100% phí khám chữa bệnh thì Quỹ 139 tại các địa phương vẫn sẽ hỗ trợ các khoản chi về ăn ở, vận chuyển và một số thuốc, dịch vụ ngoài danh mục được Quỹ BHYT thanh toán. Ngoài ra, nguồn quỹ này cũng sẽ hỗ trợ chi trả cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo không đủ khả năng trả viện phí.

Hiện cả nước mới có khoảng 70% dân số (khoảng 63 triệu người) tham gia BHYT, trong đó chủ yếu đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, riêng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách hỗ trợ... Trong khi số người mua BHYT tự nguyện còn rất hạn chế và thông thường đến khi có bệnh hoặc bị bệnh mạn tính mới chịu mua gây thâm lạm quỹ BHYT. Do đó, để tiến tới BHYT toàn dân, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, nhất là chính sách BHYT theo hộ gia đình. Do đó, dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã đưa ra quy định những trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể, người thứ nhất trong gia đình đóng BHYT đúng mức phí quy định, từ người thứ 2 đến thứ 5 đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và từ người thứ 6 trở lên đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Nguồn SK&ĐS