UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi): Phải tính tới khả năng cân đối thu chi để có cái nhìn dài hơi hơn

22/04/2014 07:48 AM


Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật BHXH lần này là phải tính tới khả năng cân đối thu chi trong tương lai. Dự báo cho thấy, độ tuổi dân số vàng của nước ta không còn dài. Và nhiều cảnh báo cũng cho thấy nếu không có biện pháp tích cực, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhiều thành viên UBTVQH chỉ rõ, tất cả những vấn đề này cần phải được đặt lên bàn để có cái nhìn dài hơi hơn, trong đó có câu chuyện Quỹ BHXH. Giữ cho Quỹ này ổn định và an toàn không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là ý nghĩa về xã hội và chính trị.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Tính chất BHXH là quản lý nhà nước hay sự nghiệp?

Hiện nay chúng ta xem BHXH là một đơn vị sự nghiệp thì tính chất của BHXH là quản lý nhà nước hay sự nghiệp? Chính vì là đơn vị sự nghiệp nên BHXH không có chức năng thanh tra và cũng không ký văn bản nào để chỉ đạo, quản lý nhà nước. Ví dụ Kho bạc Nhà nước quản lý thu, chi ngân sách, hay ngành thuế chúng ta không gọi là đơn vị sự nghiệp, nó có chức năng thanh tra. Nếu không giải quyết chỗ này thì quy định BHXH có được thanh tra hay không? Tôi thấy rất cần thiết, BHXH phải có chức năng thanh tra để giao quản lý thu, chi. Chúng ta xác định trong Luật này thì BHXH tiếp tục đưa về đơn vị sự nghiệp hay quản lý nhà nước?

 

Nếu trả lời được câu hỏi này thì chúng ta có thể giải quyết được một số vấn đề liên quan ở trong dự thảo Luật BHXH lần này.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phải tính tới khả năng cân đối thu chi trong tương lai

Tôi nhất trí với rất nhiều điểm trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai trình bày cũng như nhiều nội dung đã được thể hiện trong dự thảo Luật.

Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật BHXH lần này là phải tính tới khả năng cân đối thu, chi trong tương lai. Việt Nam theo dự báo độ tuổi dân số vàng chỉ còn một giai đoạn ngắn nữa. Chúng ta sắp sửa bước tới giai đoạn đáng phải lo ngại, đó là đất nước chưa giàu nhưng dân số đã già. Và nhiều cảnh báo rằng Việt Nam nếu không có biện pháp tích cực sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tất cả những vấn đề đó phải đặt lên bàn để có cái nhìn dài hơi hơn về tương lai, trong đó có câu chuyện Quỹ BHXH, bảo đảm cho Quỹ này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn cả ý nghĩa xã hội và chính trị. Khi Quỹ BHXH không ổn định có thể dẫn tới những bất ổn trong xã hội.

Tôi đồng ý phải tăng độ tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc của các đối tượng đóng BHXH và đồng ý với phương án sẽ có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu này. Tuy nhiên, nên tính tới hai lộ trình của tuổi nam giới và nữ giới, bảo đảm không quá chênh lệch để đạt được mức 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Nếu theo lộ trình này phải 15 năm nữa nữ mới đạt mức tuổi 60, nam giới chỉ còn 6 năm nữa đã đạt mức 62 rồi. Phải chăng chúng ta phải tính toán, có thể độ tuổi đối với các mức nên hợp lý, nam ở mức độ 2 tháng hoặc 3 tháng, còn nữ có thể ở mức 4 tháng để làm sao nữ vẫn có thể là 15 năm nhưng nam khoảng 8-9 năm, tức là ít nhất cũng bằng nửa số đó mới hợp lý. Nếu để chênh, nữ 15 năm nữa mới đạt được mức nghỉ hưu, trong khi đó nam chỉ cần 5-6 năm thì phải tính thêm.

Với việc đóng BHXH, tôi thấy đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hiện đang sử dụng lực lượng lao động lớn, nhưng một là người ta tính không đủ BHXH để đóng; hai là trốn; và ba là nợ BHXH. Thậm chí có những nơi, đối với số tiền nợ về thuế chúng ta rất ráo riết và đủ các cơ chế để xử phạt, nhưng bảo hiểm thì cứ nợ thoải mái. Đã nợ BHXH tức là ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, tính không đủ BHXH cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bây giờ chúng ta cứ tranh luận BHXH này là đơn vị hành chính hay đơn vị sự nghiệp, hay chỉ là một định chế tài chính? Nhưng rõ ràng phải cho họ một công cụ là thanh tra hoặc kiểm tra để khi phát hiện ra vấn đề thì bảo hiểm có quyền xử lý. Hiện nay, BHXH nhiều khi gần như là người đi đòi nợ, còn bên nợ nộp hay không nộp thì... cũng dửng dưng, chưa có một chế tài gì. Tôi đề nghị trong dự án Luật lần này, Ban soạn thảo cần xem xét, thậm chí cho BHXH là lưỡng tính, hành chính hay sự nghiệp, cũng tính thêm.

Theo dự thảo Luật, toàn bộ cách tính, mức tính và chi phí cũng đã bàn đi, bàn lại nhiều lần, tôi cho rằng hướng mức tối đa 3% trên số thu BHXH là một quy định tích cực. Như thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì đây là cách chi tiêu tiết kiệm buộc anh phải quản lý tốt, tất nhiên con số này sẽ tăng do số thu BHXH tăng. Tuy nhiên, trong tư duy về mặt ngân sách, tôi rất dị ứng với tỷ lệ, ít khi làm ngân sách mà bằng tỷ lệ; không thể dùng một khung sắt để kẹp tất cả những vấn đề lại mà phải tùy thuộc vào từng giai đoạn. Chúng ta có thể quy định việc tính này theo tỷ lệ và ổn định trong một số năm, cần thiết nữa thì giao cho Chính phủ và báo cáo với Quốc hội hoặc UBTVQH để quyết định cho từng thời kỳ thì sẽ hợp lý hơn. Với tình hình hiện nay, chúng ta tính toán tất cả những yếu tố và khống chế ở mức 3% thì thấy hợp lý, nhưng giai đoạn sau thì có thể không hợp lý nữa.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Sửa đổi Luật lần này phải xử lý được những hạn chế của Luật hiện hành, giữ an toàn Quỹ BHXH theo hướng kết dư ngày càng tăng để bảo đảm sự bền vững của an sinh xã hội

Việc Chính phủ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Bảy tới là rất cần thiết. Bởi vì đây là vấn đề rất lớn thuộc về chính sách an sinh xã hội vừa được quy định trong Hiến pháp mới. Lần sửa đổi này phải xử lý được những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm an toàn Quỹ BHXH và theo hướng kết dư ngày càng tăng để bảo đảm sự bền vững của an sinh xã hội.

Nhưng đọc trong dự thảo Luật, tôi thấy có một số điểm phải tính thêm để tìm ra được những hình thức, giải pháp giải quyết được những vấn đề thực tế nảy sinh hiện nay. Ví dụ về các hình thức đầu tư  Quỹ BHXH ở Điều 92, dự thảo Luật quy định có 5 hình thức, về cơ bản giống Luật hiện hành và đang thực hiện như mua tín phiếu, trái phiếu, công trái của Nhà nước, các ngân hàng thương mại, cho ngân sách nhà nước vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, đầu tư các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia... Trong dự thảo Luật lần này chỉ bổ sung một hình thức là ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư, các đầu tư khác do Chính phủ quy định - viết chung như vậy. Nhưng với quy định này, cơ quan soạn thảo cũng chưa hình dung hết mà lại tiếp tục giao cho Chính phủ quy định. Để làm tăng thêm tính bền vững của Quỹ này thì ta phải tính thêm.

Về thanh tra, câu hỏi của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra rất đúng. Lúc đầu tôi ủng hộ quy định như dự thảo Luật, BHXH có chức năng thanh tra để xử lý được những bất cập trên thực tế. Nhưng bản chất là ở chỗ: Điều 93 dự án Luật BHXH xác định BHXH là một tổ chức sự nghiệp, chứ không phải là một cơ quan quản lý nhà nước hay một cơ quan hành chính nhà nước, trong khi đó thanh tra là một công cụ, phương tiện để quản lý nhà nước. Trong dự thảo Luật Chính phủ trình ra nói rằng, đây là chức năng của quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng Bộ ủy quyền cho BHXH thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mà Bộ lại ủy quyền cho BHXH thực hiện thì nó cũng đẻ ra những vấn đề khác. Khi nói đến ủy quyền là người có quyền đó vẫn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho nên, khi BHXH thực hiện chức năng thanh tra, phát hiện ra vấn đề và xử lý, nhưng người bị xử lý có thể khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa, thì ai sẽ ra trước tòa? Là thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hay BHXH? Chỗ này phải tính rất khéo.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đưa ra phương thức là phải có sự kết hợp. Theo đó, nhiệm vụ thanh tra vẫn là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chính và tổ chức việc thanh tra. Hiện nay ta nói lực lượng thanh tra của Bộ mỏng, thì chỗ này là giải pháp chứ không phải là cơ chế pháp lý. Ngành lao động, thương binh và xã hội là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, rất nhiều lĩnh vực cần có thanh tra chuyên ngành. Bây giờ thành lập một phòng thanh tra trong thanh tra của Bộ chuyên thanh tra BHXH, ban đầu chỉ có 5 cán bộ, tới đây có thể 10 – 15 cán bộ chuyên thanh tra BHXH và có sự gắn kết với BHXH – như thế sẽ đúng với Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong dự thảo Luật còn quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước và có nhiệm vụ thanh tra, quản lý tài chính về BHXH. Như vậy, chức năng thanh tra này không chỉ có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mà cả Bộ Tài chính nữa. Vấn đề xử lý theo đề xuất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tôi thấy có thể chấp nhận được.

Qua 7 năm thi hành Luật BHXH cho thấy, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn có những tồn tại, đó là: diện bao phủ của BHXH còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH thấp; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH chưa giảm; chậm ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH; Quỹ BHXH ngắn hạn kết dư lớn; công tác đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác phối hợp, trách nhiệm của BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan còn hạn chế. Đồng thời, đã xuất hiện nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH, theo dự báo, nếu không điều chỉnh chính sách, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021, từ năm 2022 trở đi để bảo đảm chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích Quỹ và đến năm 2034 thì số thu BHXH trong năm và số dư tồn tích Quỹ không bảo đảm khả năng chi trả. Để bảo đảm cụ thể hóa Điều 34 của Hiến pháp: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, việc sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đến hai mục tiêu quan trọng sau:

Bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, đồng thời Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ BHXH theo hướng bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng và khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.

(Trích Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội)

Theo Nguyễn Vũ (Báo ĐBND)