Tăng tuổi nghỉ hưu để né vỡ quỹ BHXH

14/05/2014 09:05 AM


Dự thảo Luật BHXH sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội trong tháng 5 này dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2-5 năm nhằm tránh tình trạng cạn kiệt quỹ BHXH.

Theo dự thảo Luật BHXH, từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; từ năm 2020 trở đi, tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên, tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành.

BHXH thu không đủ chi

Mới đây, khi trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật BHXH sửa đổi, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất dự báo đến năm 2021, thu trong năm không đủ chi. Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ nhưng theo tính toán đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.  Nguyên nhân là mức đóng BHXH ở Việt Nam thấp, thời gian hưởng lương hưu dài.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu của BHXH Việt Nam, cho biết số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu như năm 1996, có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì đến năm 2009 còn 11 người, năm 2011 còn 9,9 người và năm 2012 chỉ 9,3 người. Con số này đang có xu hướng giảm tiếp. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn đến thời gian hưởng lương hưu dài.


Quỹ BHXH chỉ ổn định khi các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc đóng BHXH cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân đóng giày của Công ty Vietnam Samho (doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc) tại huyện Củ Chi, TP HCMẢnh: VĨNH TÙNG

Hiện nay, số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28, nữ là 23. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 và của nữ ở tuổi 55 là 24,5.

Tìm nhiều biện pháp tăng quỹ

Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động (NLĐ) Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất; đồng thời không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ. Do đó, cần cân nhắc việc tăng tuổi hưu, phù hợp với luật lao động, bảo đảm sức khỏe của NLĐ.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Như vậy, đề xuất nâng tuổi hưu của BHXH Việt Nam có phù hợp với Bộ Luật Lao động hay không?

“Dự thảo cần  phải có lộ trình tăng tuổi hưu, không nên xem đây là giải pháp tuyệt đối. BHXH là chính sách an sinh xã hội, do vậy ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe và quyền lợi lâu dài cho NLĐ, nhất là khu vực ngoài nhà nước” - ông Chính đề xuất.

Theo ông Chính, cán bộ ngành giáo dục, y tế và đặc biệt là công nhân nữ trong các doanh nghiệp da giày, lao động chủ yếu là chân tay, liệu đến 55 tuổi họ còn đủ sức làm việc? Vì vậy, không nên để NLĐ thiệt đơn, thiệt kép. Để bảo đảm quỹ lương hưu, ông Chính cho rằng trước hết cần phải có biện pháp chế tài để các doanh nghiệp làm tốt nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ bởi đây là nguyên nhân khiến quỹ BHXH thâm hụt. Các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm việc tuân thủ pháp luật để tăng nguồn thu cho quỹ.

Cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để chỉ là một trong những giải pháp bảo toàn cho quỹ chứ không là giải pháp tuyệt đối, một số chuyên gia đề nghị nên tăng tuổi hưu theo từng đối tượng, chức vụ và có thể tăng một số nhóm trước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định quỹ BHXH chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có giải pháp tăng số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH, chứ không chỉ đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

Quỹ BHXH hụt 91.000 tỉ đồng

Theo thống kê, trong số gần 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, 50%-75% doanh nghiệp đang trốn đóng bảo hiểm. Đó là chưa kể tình trạng doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho NLĐ theo kiểu hình thức rồi chiếm dụng tiền này...

Tính tới tháng 4-2014, quỹ BHXH đang bị nợ 11.000 tỉ đồng (khoảng 7.400 tỉ đồng nợ BHXH, 500 tỉ đồng nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỉ đồng nợ bảo hiểm y tế). Tổng các khoản, quỹ BHXH bị hụt khoảng 91.000 tỉ đồng, bằng 60% số thu mỗi năm, tương ứng khả năng trả lương hưu cho hàng triệu người cao tuổi hiện nay.

Theo VEF