Khó khăn trong thực hiện BHXH, BHYT cho lao động giúp việc gia đình

25/10/2013 01:49 AM


Điều 181 Luật Lao động 2012 quy định: “Người sử dụng lao động trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm”. Có thể nói đó chính là sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động ở khu vực này.Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện không hề đơn giản.


Sinh năm 1959, quê ở Phú Thọ, và đã làm nghề giúp việc nhiều năm qua nhiều gia đình khác nhau nhưng chị Hà Thị Thanh chưa từng biết đến hợp đồng lao động là gì. Mọi thoả thuận giữa chị và chủ gia đình thuê chị đều hoàn toàn bằng miệng.

Hiện đang giúp việc cho một gia đình ở phường Nhật Tân, Cầu Giấy, chị Đỗ Thị Lê, sinh năm 1964, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc cũng chưa hề biết và chưa bao giờ ký hợp đồng lao động với những chủ gia đình thuê. Chị Lê cho biết: tiền công hàng tháng, phải làm những việc gì, nghỉ ngày này ngày kia…đều là nói với nhau bằng miệng; có khi thấy tháng trước lương thế này, tháng sau lại khác, thoả thuận rất đơn giản. Khó lắm, hai bên không đồng ý với nhau thì nghỉ việc, chứ chẳng rằng buộc gì.

Khi được hỏi có biết gì về BHXH, BHYT không? Cả chị Thanh và chị Lê cũng chỉ biết rất mơ hồ, và càng không rõ về quy định mới trong Luật Lao động 2012. Chị Hà Thị Thanh cho biết: Tôi cũng lớn tuổi, sắp này cũng hay ốm đau, nhưng nói thật, mình tiếc tiền nên cũng lười thuốc thang, khám xét. Tôi có bà chị cũng đi làm giúp việc cho gia đình người ta, hay ốm đau nên người ta không thuê nữa. Tôi thì chắc cũng chỉ làm thời gian nữa rồi cũng nghỉ, sức khoẻ cũng yếu lắm rồi.

Trong nhiều lần trò chuyện với những những người giúp việc gia đình, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời tương tự như chị Thanh và chị Lê. Đa số lao động giúp việc đều không ký hợp đồng lao động, mọi thoả thuận về tiền lương, ngày nghỉ…đều hoàn toàn bằng miệng. Thói quen này rất khó thay đổi, ngay cả với những chủ gia đình thuê lao động giúp việc.

Có hiệu lực từ tháng 5/2013, Luật Lao động 2012 đưa ra quy định về việc đóng BHXH, BHYT cho lao động giúp việc gia đình. Cụ thể Điều 181 Luật Lao động 2012 quy định: “Người sử dụng lao động trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm”. Tuy nhiên với thực trạng như trên có lẽ rất khó để những người lao động giúp việc gia đình và chủ gia đình thuê có thể nhận biết và thực hiện theo quy định trên.

Khi được chúng tôi giải thích sơ qua về BHXH, BHYT và được hỏi có sẵn sàng tham gia đóng BHXH, BHYT không, cả chị Thanh và chị Lê đều trả lời khá e dè. Chị Lê nói: Chúng tôi là người lao động nên ốm đau cũng chỉ thuốc thang qua loa, về già thì thôi nhờ con nhờ cháu. Hàng tháng chúng tôi đều dành dụm từng đồng, từng hào, giờ mỗi tháng bảo chúng tôi bỏ ngần đó tiền ra thì xót ruột lắm.

Đây cũng là thực tế dễ nhận thấy với nhiều lao động giúp việc gia đình. Đa phần họ đều có tâm lý thích dành dụm, tiết kiệm tiền hơn là đóng BHXH hay BHYT.

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cho thấy đa số lao động giúp việc gia đình là nữ (97,8%); 68,8% trong độ tuổi trung niên (từ 36 – 55). Điều tra lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (do ILO thực hiện năm 2011) cũng cho thấy người giúp việc phải đối mặt với nhiều rủi ro: 20% bị mắng chửi; 2,4% bị đánh đập/ tát đẩy ngã; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục....

Có thể nói việc được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nhận lương hưu về già, cũng như được khám, chữa bệnh BHYT là rất thiết thực với lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên theo, Quy định tại Luật Lao động 2012 thì lao động giúp việc thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT tự nguyện; khả năng để nhóm này tham gia BHXH, BHYT tự nguyện rõ ràng là không cao. Gần như toàn bộ lao động giúp việc gia đình xuất thân từ nông thôn,84,6% có trình độ học vấn dưới trung học cơ sở. Nhận thức của nhóm đối tượng này rõ ràng là hạn chế, để họ nhận biết và thực hiện được theo Luật thực sự là vấn đề nan giải. Nghiên cứu của ILO cho thấy: chỉ 2% lao động giúp việc gia đình được mua thẻ BHYT; 0,83% tham gia BHXH.

Ngay cả khi được chủ gia đình trả tiền đóng BHXH, BHYT thì bản thân họ có lẽ cũng không mặn mà lắm với việc tự nguyện dùng khoản tiền này đóng BHXH, BHYT.

Nguồn TC BHXH