Bảo vệ quyền lợi người lao động trong điều kiện kinh tế khó khăn

24/10/2013 09:41 AM


Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hàng chục vụ tranh chấp về quan hệ lao động giữa người lao động với chủ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn còn khó khăn, phức tạp.


Công nhân đang làm việc ở một doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận.

Theo Ban chỉ đạo Xây dựng quan hệ lao động TP Hồ Chí Minh, chín tháng đầu năm 2013 xảy ra 85 vụ tranh chấp lao động tập thể với gần 29 nghìn người tham gia. Nguyên nhân chính là do DN khó khăn dẫn đến việc chậm chi trả lương, nợ lương và không có khả năng thanh toán  lương. Cụ thể, DN vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của tập thể người lao động như: vi phạm hợp đồng lao động, giải quyết chế độ không đúng luật; người lao động yêu cầu tăng lương và trợ cấp, yêu cầu thay đổi cán bộ quản lý là người nước ngoài... Trong đó có bảy chủ DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỷ đồng bỏ trốn nhưng chưa xử lý được, đến nay diễn biến vẫn còn phức tạp. Và có hai trường hợp DN nợ lương công nhân nhưng không có khả năng giải quyết là Công ty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc) tại huyện Hóc Môn và DN tư nhân dịch vụ Ðại Thắng (vốn đầu tư Trung Quốc nhưng do người Việt Nam đứng tên).

Theo nhận định của Ban chỉ đạo Xây dựng quan hệ lao động TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế còn khó khăn sẽ dẫn đến việc DN khó thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động. Ðặc biệt, số vụ tranh chấp lao động liên quan đến việc chủ DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu gia tăng. Trên thực tế, phần lớn vụ việc khi được phát hiện thì chủ DN đã bỏ trốn. Do vậy, việc yêu cầu chủ DN quay lại thực hiện các cam kết với người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với việc Chính phủ dự kiến công bố mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2014 theo lộ trình, dự báo quan hệ lao động trên địa bàn thành phố ở thời điểm cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ tranh chấp lao động không đúng trình tự pháp luật tăng mạnh. Vì vậy, Ban chỉ đạo Xây dựng quan hệ lao động TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành trong thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp giữa Liên đoàn Lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc trao đổi thông tin về tình hình nợ lương người lao động trong DN. Theo đó, khi có dấu hiệu nợ lương người lao động, đề nghị công đoàn cơ sở thông tin về Liên đoàn Lao động quận, huyện hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nhanh chóng có biện pháp tác động cần thiết, tránh tình trạng DN nợ lương, tẩu tán tài sản và bỏ trốn, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Văn Khải cho biết, đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2014 cho người lao động. Theo đó, các cấp công đoàn chủ động phối hợp cùng với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức chăm lo Tết cho công nhân; thông báo cho công nhân về kế hoạch chăm lo Tết để tạo sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị và DN. Ðồng thời, các cấp công đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, trong đó cần tập trung lĩnh vực giải quyết tiền lương, tiền thưởng. Bên cạnh đó, tổ chức thăm, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ vé xe về quê cho công nhân lao động ngoài thành phố có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các chương trình họp mặt công nhân lao động không về quê...

Theo Báo Nhân dân