Tổng rà soát chính sách với người có công

22/10/2013 09:29 AM


Đánh giá sát tình hình thực hiện chính sách với người có công với cách mạng để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình của họ là việc làm cấp bách, thể hiện tình cảm, trách nhiệm lớn lao của Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng và xã hội.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Sáng 19/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ  tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam , Phó Thủ  tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng số người có công qua các thời kỳ là 8,8 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số). Trong đó, hiện có trên 1.470.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Kinh phí chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công năm 2012 là 25.640 tỷ đồng; dự toán năm 2013 là 29.380 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổng rà soát chính sách đối với người có công. Các đại biểu cho rằng đây là công việc được hàng triệu người có công trên cả nước mong đợi và cũng là dịp để Nhà nước điều chỉnh kịp thời chính sách đối với người có công. Qua đó, thực hiện một cách toàn diện, đúng người, đúng chế độ đối với người có công, đồng thời tăng cường sức mạng tổng hợp, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự đóng góp của toàn xã hội đối với công tác này. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, tại một số địa phương, việc thực hiện chế độ đối với người có công chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.

Đáng lưu ý, một số trường hợp người có công và gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước hiện hành; đời sống của một bộ phận gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. Nhiều kiến nghị cho rằng, đã tới lúc Nhà nước cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện, khách quan để khẳng định đúng công lao của lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, gia đình liệt sĩ gặp khó khăn, người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam. “Cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách cần có cái nhìn linh hoạt, nhân văn, phù hợp với lịch sử, hạn chế tối đa tình trạng nguyên tắc máy móc, vô cảm trong việc triển khai, thực hiện chính sách với các đối tượng nêu trên”, ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu TNXP bày tỏ.

Theo Chinhphu.vn