Nỗi lo lương và giá

22/10/2013 09:23 AM


Năm 2013, tỷ lệ tăng lương của các ngành nghề vẫn cao hơn lạm phát. Nhận định này của Công ty nhân sự hàng đầu thế giới Mercer và chi nhánh tại VN Talentnet cho thấy tín hiệu đáng mừng cho thấy dù kinh tế khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải tính toán các khoản chi tiêu để nỗ lực giữ chân người lao động, ổn định công tác nhân sự.


Tuy nhiên nhìn vào thực tế, dù mức lương cơ bản hoặc tổng thu nhập của người lao động có được điều chỉnh, thậm chí tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng sống được bằng lương vẫn là mơ ước của số đông người lao động.

Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp cho biết: Có 35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập không đủ chi tiêu; 44,7% phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,8% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Tại hội thảo mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2013 tổ chức trong tháng 9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án tăng lương thêm từ 21 - 36% cho biết, nếu tăng như thế này cũng chỉ mới đáp ứng 75 - 84% nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, khi phương án tăng lương chưa được phê duyệt thì Bộ Tài chính lại có đề xuất giảm lương cơ bản 100.000 đồng/hệ số. Đề xuất này tuy bị phản bác tức thì, nhưng phản ánh một thực tế đầy khó khăn của ngân sách Nhà nước và chắc chắn như vậy, việc tăng lương trong giai đoạn trước mắt khó trở thành hiện thực.

Từ đầu năm đến nay, người dân đã phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá, nhất là giá hàng thiết yếu. Nào xăng tăng, điện tăng, nước tăng, dịch vụ y tế tăng, đến rau xanh, thực phẩm đều tăng giá... Thu nhập không tăng hoặc tăng không đáng kể, giá cả tiêu dùng leo thang, các bà nội trợ phải xoay sở đủ cách, co kéo tiết kiệm đủ kiểu để lo đủ chi tiêu cho cả gia đình.

Talentnet dự báo, kinh tế năm sau được dự đoán sẽ chuyển biến tích cực, do đó các chỉ số về lương, thưởng, phúc lợi... có thể diễn biến theo hướng lạc quan hơn. Nhưng kể cả khi lương, thưởng, phúc lợi có nhích hơn, mà giá cả vẫn leo thang chóng mặt như những kịch bản vẫn xảy ra mỗi lần tăng lương những năm qua, thì nỗi lo lương và giá vẫn là nỗi lo thường trực của mỗi người lao động.

Theo Báo Giao thông vận tải