Hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm

22/10/2013 09:09 AM


TP Hồ Chí Minh là địa phương đông dân, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội sôi động nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân chưa có điều kiện tham gia các hình thức bảo hiểm vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Ðể người dân có điều kiện tiếp cận với các hình thức bảo hiểm, thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực.


Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là địa phương có dân số đông nhất cả nước (khoảng 7,7 triệu dân), trong đó, lực lượng lao động khoảng 4,6 triệu người. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong tổng số khoảng 4,6 triệu dân trong độ tuổi lao động, chỉ có 1,7 triệu người tham gia BHXH (chiếm 37%), 4,8 triệu người tham gia BHYT (chiếm 63%).

Theo ông Nguyễn Ðăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, việc tham gia bảo hiểm (BH) của người dân chỉ mới tăng tốc trong mấy năm trở lại đây. Từ năm 1995-2006: Hoạt động của ngành BH chủ yếu là tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Chính phủ về BH. Ðáng nói, đây cũng là giai đoạn mà ngành BH tốn rất nhiều công sức để giải thích cho các đơn vị, cơ sở hiểu được chức năng, nhiệm vụ của ngành. Từ năm 2006 đến nay, ngành BH tập trung, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, nhất là các cơ quan tuyên truyền đại chúng để tuyên truyền, vận động cho người dân tham gia các loại hình BH.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia các loại hình BH vẫn còn thấp. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Ðăng Tiến cho rằng: Mặc dù công tác tuyên truyền kéo dài nhưng độ phủ vẫn chưa rộng, việc phổ biến các chủ trương, chính sách, quyền lợi của các hình thức BH chưa đến được với dân, hay nói cách khác, nhiều người dân có quan niệm việc mua BH là do bị đôn đốc, thúc ép. Việc tham gia BH là hoạt động góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, đối với nhiều cơ quan, đơn vị còn xem việc mua BH là chuyện riêng của ngành BH. Như đã nói, với thu nhập của nhiều người dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc vận động mua BH cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ðơn cử như tại quận 8, UBND quận này cho biết, hiện quận còn 2.000 hộ nghèo, với 14.300 thành viên thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/người/năm. Ðể trực tiếp giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, UBND quận 8 đã phát động mua thẻ BHYT năm 2013 cho hộ nghèo. Dự kiến, quận sẽ mua 4.300 thẻ BHYT (50% mệnh giá thẻ, tức 283.500 đồng/thẻ) với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quận cũng vận động các đảng viên, cán bộ, công chức, cứ ba người sẽ hỗ trợ mua một thẻ BHYT cho người nghèo và vận động các đơn vị, cá nhân hảo tâm hỗ trợ 1.650 thẻ BHYT. Năm 2013, khoảng 7.150 người nghèo (cao hơn 400 thẻ so với năm 2012) có thẻ BHYT. Ngoài ra, cũng phải kể tới nguyên nhân chủ quan của không ít người dân đối với việc mua BH. Thậm chí, nhiều trường hợp khi xảy ra hoạn nạn, ốm đau mới đi mua "bảo bối" này.

Ngay như đối với một quận trung tâm như quận 1, công tác vận động triển khai cho người dân tham gia BH cũng gặp không ít khó khăn. Theo Ban Tuyên giáo quận 1: Nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia các loại hình BH. Nhất là tình trạng người lao động ngại đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi quyền lợi. Hiện quận 1 cũng đã ra mắt phòng khám bác sĩ gia đình nhưng do chưa thực hiện được thủ tục, chế độ BHYT cho người dân nên việc tuyên truyền cũng gặp nhiều trắc trở. Ngoài ra, tại nhiều trường học, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT không đồng đều. Một số trường có tỷ lệ học sinh hoàn cảnh khó khăn nhiều cũng gây trở ngại trong việc tuyên truyền. Ðó là chưa nói đến tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BH; đơn vị, tổ chức chưa thật sự quan tâm đến BH cho người lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 21 - NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, BHXH TP Hồ Chí Minh đã đặt ra chỉ tiêu: Ðến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia BHXH sẽ đạt 50%, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 80%. Theo ông Nguyễn Ðăng Tiến, để thực hiện được điều này, các cơ quan chức năng liên quan cần bỏ quan niệm "khoán trắng" trách nhiệm về tuyên truyền BH cho ngành BH; Ðưa mục tiêu phát triển BH chung với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện các hoạt động, phương thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả; làm sao để người dân thấy được quyền lợi của mình khi tham gia BH; đưa việc tuyên truyền về BH vào nhà trường để học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về vấn đề này. Riêng đối với ngành y tế, cần chấn chỉnh thực trạng phân biệt đối xử với những người dân đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã diễn ra trong thời gian qua. Thiết nghĩ, vấn đề BH cần tạo sự đồng thuận của cả cộng đồng để một chủ trương, chính sách thiết thực, mang ý nghĩa dân sinh lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Theo Trần Quang Quý (Báo Nhân dân)