30 triệu người đang là "nô lệ hiện đại" trên toàn cầu

21/10/2013 09:44 AM


Báo cáo chỉ số nô lệ toàn cầu, do Quỹ Walk Free (WFF) công bố ngày 17/10 cho thấy khoảng 30 triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh "nô lệ hiện đại".


Ấn Độ là nước đứng đầu về số nô lệ hiện đại, nhưng vấn đề này đang trở nên báo động nhất ở quốc gia Tây Phi Mauritania, nơi 4% dân số được cho là sống trong cảnh nô lệ. Theo định nghĩa của WWF, nô lệ hiện đại bao gồm nô lệ thật sự cộng với các tình trạng như nô lệ, ví dụ sự lệ thuộc do nợ nần, hôn nhân ép buộc, mua bán hoặc bóc lột trẻ em, buôn người và lao động cưỡng bức. Bảng danh sách của WFF gồm 162 quốc gia, được thực hiện dựa trên sự cộng tác của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, các nguồn dữ liệu bên ngoài đáng tin cậy cũng như phân tích của bản thân quỹ.

10 nước xếp đầu trong danh sách này là Mauritania, Haiti, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Moldova, Benin, Côte d'Ivoire, Gambia và Gabon. Moldova là quốc gia châu Âu duy nhất nằm trong tốp 10. Mauritania được mô tả là quốc gia có tình trạng nô lệ tồi tệ nhất, nơi mà người nô lệ có thể được mua bán, cho thuê hoặc tặng như một món quà. Điểm gây sốc nhất là tình trạng nô lệ ở Mauritania đã trở thành "cha truyền con nối," tức là nếu những người phụ nữ và đàn ông nào phải sống trong cảnh nô lệ thì con cái của họ cùng thường bị rơi vào tình trạng tương tự.

Xét về mặt số lượng, các quốc gia có số người sống trong tình trạng nô lệ hiện đại lớn nhất là Ấn Độ (13,95 triệu người), Trung Quốc (2,95 triệu) và Pakistan (2,1 triệu). 72% số nô lệ hiện đại sống ở châu Á. Tại Ấn Độ, phần lớn tình trạng nô lệ xuất phát từ những vấn đề về nợ nần và lao động cưỡng bức. Trong 10 nước đứng đầu danh sách, Moldova và Côte d'Ivoire hiện là những quốc gia có nhiều nỗ lực để xử lý vấn đề này. Giám đốc điều hành WFF Nick Grono tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết tình trạng nô lệ vẫn tồn tại, bởi đa số đều cho rằng nó đã chấm dứt cùng với việc xóa bỏ hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương từ những năm 1800.

Tuy nhiên, nô lệ hiện đại có đầy đủ tất cả những đặc điểm của chế độ nô lệ vài thế kỷ trước. Trong đó, người nô lệ bị kiểm soát bằng bạo lực, bị lừa hoặc ép buộc làm việc hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột về kinh tế. Họ sống mà không có khoản thu nhập nào hoặc chỉ đủ sống và không được tự do rời bỏ công việc. WFF hy vọng chỉ số này sẽ giúp chính phủ các nước kiểm soát và đối phó với tình trạng nô lệ hiện đại vốn được gọi là "tội phạm ngầm". Được thành lập tháng 5/2012, WFF gồm 20 thành viên và có trụ sở chính tại Perth, thành phố ở bờ biển Tây Australia.

Theo GĐ&XH