"Chốt" phương án tăng lương tối thiểu 15%

04/10/2013 01:25 AM


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, “chốt” phương án tăng lương tối thiểu mà cơ quan này đề xuất lên Chính phủ là 15%.


Lương tối thiểu của người lao động tại khu vực doanh nghiệp sẽ tăng từ đầu năm 2014 tới

Trước câu hỏi liên quan tới đề xuất tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp (DN) mới đây của Hội đồng Tiền lương quốc gia, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã nhận được đề xuất phương án tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp, tuy nhiên trước đó TƯ đã có có hẳn một kỳ bàn riêng về vấn đề tiền lương. Lương bao gồm 2 phần: lương dành cho cán bộ công chức, viên chức, người có công và phần lương của DN. Hiện nay các bộ phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đang trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu trong khu vực DN.

Về tỷ lệ đề xuất, đại diện Chính phủ thông tin, thường tính toán cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6%, lạm phát (tỷ lệ đồng tiền mất giá 7%), cộng thêm dao động 2-3%...nên mức đề xuất tăng lương được các bộ, ngành đưa ra xoay quanh mức 14-15%. Cái khó ở chỗ, trong khi người lao động thì muốn tăng nhiều, nhưng DN thì khó khăn, tăng ít nên bao giờ cũng tạo ra dư luận trái chiều. “Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, trong đó có nhân tố nhân công lao động rẻ, nên nếu tăng lương khu vực DN nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh đầu tư của DN. Vì thế, điều chỉnh tăng là cần thiết nhưng cũng cần cân đối hài hòa lợi ích” – Bộ trưởng Đam nêu quan điểm.

Còn đối với khu vực “ăn lương” từ ngân sách lương tối thiểu đã tăng từ 1/7/2013, ngân sách Nhà nước hiện đang chịu áp lực rất lớn từ tăng lương, nếu tăng thêm nữa thì nguồn ngân sách hiện cũng ... không có. Minh chứng cho “áp lực” chi lương từ ngân sách, Bộ trưởng Đam dẫn dụ, nếu ngân sách thu 100 đồng thì tiền dành để trả nợ (nợ vay nước ngoài…) chiếm 15%; phần dành cho đầu tư phát triển 20% (trước đây tỷ lệ này là 40%). Phần còn lại – chiếm tỷ lệ 65% dành cho chi thường xuyên, song già nửa trong số là dành chi trả lương công chức viên chức, người có công… Bóc tách số liệu cụ thể, tiền lương chi cho lương công chức từ cấp huyện, xã tới TƯ hiện đang chiếm khoảng 9%; đội ngũ sự nghiệp, giáo viên… chiếm 35%; lực lượng vũ trang 25%, còn lại người có công, cán bộ xã, cán bộ ko phải biên chế nhưng được tăng… tổng cộng khoảng 6,5%.

Đối với đề xuất tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp hiện nay, theo Bộ trưởng Đam, về phía người lao động bao giờ cũng mong muốn được hưởng lương cao, nhưng nếu tăng cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi: “Chúng ta rất muốn tăng lương cao, nhưng tăng cao quá thì ko có sức hút cạnh tranh để đầu tư. Vì thế, mức điều chỉnh tiền lương nên cân đối hài hòa, phù hợp với điều kiện nền kinh tế và sức chịu đựng của DN”. Trước đó, theo dự thảo Nghị định trình Chính phủ của Bộ LĐTBXH phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối DN khoảng 15-16%, tương đương 250.000 – 400.000 đồng. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ chỉ tăng từ 250.000 -400.000 đồng. Trong đó, lương vùng I-III tăng 17% so với năm 2013, riêng vùng IV tăng 15% so với năm 2013.

Như vậy, mức lương DN tại vùng I tăng từ 2,35 triệu đồng/người/tháng lên 2,75 triệu đồng/người/tháng; vùng II từ 2,1 triệu đồng/người/tháng lên 2,45 triệu đồng/người/tháng; vùng III tăng từ 1,8 triệu đồng/người/tháng lên 2,1 triệu đồng/người/tháng và mức lương vùng IV tăng từ 1,65 triệu đồng/người/tháng lên 1,9 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, nếu được phê duyệt mức lương này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2014. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết, “chốt” phương án tăng lương tối thiểu mà cơ quan này đề xuất là 15%. Mức lương tối thiểu chỉ là mức sàn để các DN dựa vào đó chi lương và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hơn nữa mỗi khi đề xuất mức lương tối thiểu các cơ quan liên quan đã phải tính toán cả phần tác động đến DN.

Theo NLĐO