TPHCM dành 7.000 tỷ đồng để giảm nghèo, tăng hộ khá

10/01/2014 07:44 AM


Từ hôm nay 1-1, TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá với chuẩn nghèo mới là 16 triệu đồng/người/năm và người có thu nhập từ 16 - 21 triệu đồng/năm thuộc diện cận nghèo. Với chuẩn nghèo như trên, TP có khoảng 130.000 hộ nghèo (trên 7% tổng số hộ dân TP). Trong đó có 16.000 hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, nghĩa là chưa thoát nghèo trong chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3.


Chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo được điều chỉnh nâng lên (gấp gần 3 lần chuẩn nghèo của quốc gia) sẽ tạo nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo ở TP. Tiến trình đô thị hóa của TP cũng tác động đến việc giảm nghèo với khoảng 2.000 người nghèo không hết nghèo mà chỉ… dịch chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, tình hình tăng dân số cơ học ở TP đang phát sinh một bộ phận người nghèo nhập cư nhưng chương trình giảm nghèo TP chưa có điều kiện theo dõi quản lý và hỗ trợ trực tiếp, do chỗ ở không ổn định.

Trong hai năm 2014 - 2015, tổng kinh phí cho chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của TP khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn để làm ăn, nâng cao sức khỏe, cải thiện nghề nghiệp, vệ sinh môi trường và nhà ở; các tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thu nhận lao động nghèo được ưu tiên đầu tư, vay vốn... Dự kiến, năm 2014, TP đào tạo nghề cho 1.500 - 2.000 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho 12.000 - 15.000 người nghèo.

Về giáo dục, TPHCM miễn 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh con em của hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm; hỗ trợ 50% học phí cho học sinh con hộ cận nghèo và con thứ 3 của hộ nghèo. Về y tế, TP hỗ trợ 15% chi trả chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo và thành viên hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo đang chạy thận nhân tạo. Hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT; riêng các thành viên trong hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo (thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm) đang chạy thận nhân tạo sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ BHYT. Về nhà ở cho hộ nghèo, mỗi năm TP xây dựng từ 500 - 1.000 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 500 căn nhà khác. TP đẩy mạnh thực hiện cho vay vốn để người nghèo tự sửa chữa nhà, dự kiến mỗi năm giải quyết từ 5.000 - 10.000 trường hợp… Với chính sách chăm lo theo hướng đa chiều như trên, trong hai năm 2014 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2% - 2,5%/năm.

Đồng thời, trong giai đoạn 2014 - 2015, TPHCM thí điểm phương pháp đo lường giảm nghèo đa chiều (thu nhập, việc làm, sức khỏe, giáo dục, nhà ở và sự tham gia xã hội, bảo trợ xã hội) tại quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Theo Báo SGGP