Việt Nam: Già hóa dân số và nỗi lo An sinh xã hội

31/12/2013 03:32 AM


Ngày Dân số Việt Nam năm nay (26/12) với chủ đề “Già hóa dân số – những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi” đề cập tới thực trạng, giai đoạn già hóa dân số của nước ta đã đến sớm hơn rất nhiều so với dự báo. Với tốc độ gia tăng số lượng và tỷ lệ người cao tuổi (NCT), Việt Nam đã nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

 


Những thách thức

Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra quá nhanh so với dự báo. Nếu không có tiếng chuông cảnh báo với xã hội thì chúng ta sẽ bị lỡ nhịp, không thấy được vai trò, tầm quan trọng và những thách thức phải đối mặt khi bước vào giai đoạn già hóa dân số. Sau Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2017, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng chỉ sau đó 2 năm (2011), dự báo của Tổng Cục thống kê đã trở lên lạc hậu. Kết quả cuộc Điều tra biến động dân số vào tháng 4/2011 của nước ta cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên của nước ta là 7%. Theo quy ước của Liên Hợp quốc, một quốc gia “già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là khi tỷ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm từ 10% trở lên hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi chiếm từ 7% trở lên. Như vậy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011, sớm hơn dự báo của Tổng cục thống kê tới 6 năm. Hơn 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới tăng 21 tuổi thì tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam tăng lên tới 33 tuổi. Người Việt Nam chúng ta sống lâu hơn, người cao tuổi (NCT) đông hơn, tỷ lệ cao hơn.

Tuổi thọ người dân tăng cao phản ánh những thành tựu to lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, với tốc độ nhanh và khoảng thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các nước phát triển khiến Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn trong việc hoạch định chính sách và an sinh xã hội cho người cao tuổi. Số người dân có tuổi thọ tăng cao đã tác động mạnh đến mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi, khiến cho gánh nặng “bệnh tật kép” ngày càng rõ ràng. NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn (gấp 2,6 lần khu vực thành thị), làm nông nghiệp và là nông dân. Đời sống vật chất của NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% NCT ở thành phố và 21,9% NCT ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Có tới 70 -80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Những bệnh thường gặp nhất ở NCT là bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh, tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hoà nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Thêm vào đó là sự khó khăn của NCT tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Cùng với đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với NCT. Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy, ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ/góa chồng, số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Có thể nói, tuổi thọ cao là mơ ước và là thành tựu của nhân loại trong thế kỷ 21. Người Việt Nam sống thọ hơn với tuổi thọ trung bình (kỳ vọng sống từ lúc sinh ra) là 73 tuổi và với người đã sống đến năm 60 tuổi thì kỳ vọng sống trung bình sẽ lên tới năm 81 tuổi, tương đương với các nước phát triển. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác phải mất rất nhiều năm mới chuyển từ giai đoạn cơ cấu dân số trẻ sang già hóa thì chúng ta chỉ mất có 6 năm; từ giai đoạn già hóa sang dân số già các nước đều phải trải qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ thì Việt Nam chỉ mất khoảng 16 – 18 năm. Do đó, chúng ta cần phải chuyển đổi mau lẹ cả về tư duy, nhận thức và cơ chế chính sách thì mới thích ứng kịp với sự biến đổi của cơ cấu dân số, nếu không chúng ta sẽ khó thích ứng và sẽ có nhiều bất cập và hệ lụy nảy sinh.

Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi

Để thích ứng với một xã hội già hóa dân số, theo các chuyên gia, hiệu quả nhất chính là chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và phát huy vai trò của họ trong cộng đồng, tận dụng được kinh nghiệm và chất xám, nhằm biến những thách thức thành cơ hội và động lực của sự phát triển. Hiện nay, theo quy định của Luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Nếu với kỳ vọng sống tính từ 60 tuổi trở lên, nam giới sau khi nghỉ hưu còn sống trung bình thêm 21 năm và nữ giới thêm 26 – 27 năm nữa. Đây là khoảng thời gian dài và nhiều người còn có sức khỏe, còn đủ trí tuệ và sự minh mẫn để đóng góp cho xã hội. Cần xây dựng chính sách để phát huy NCT, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 60 – 75, tạo thêm cơ hội để họ có những đóng góp có ích cho xã hội.

Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi, Chính phủ đã ban hành Nghị định, các bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn, có chính sách đối với NCT; với người không có nơi nương tựa đã có hưu trí xã hội – các cụ đã được hưởng 180.000 đồng/tháng. Đây là một sự cố gắng trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để thích ứng. Đặc biệt, ở nước ta, nhất là ở nông thôn, người cao tuổi hiện nay chủ yếu đều bước qua khỏi thời kỳ chiến tranh, bao cấp, nên sự tích lũy mới chỉ có ở một bộ phận số ít dân số cao tuổi. Điều chúng ta cần làm là nâng cao công tác truyền thông cho người cao tuổi để họ hiểu được bản thân và nhu cầu của chính họ; đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền đối với người cao tuổi và Hội người cao tuổi ở các địa phương. Phát huy NCT phải đi đôi với chăm sóc, đòi hỏi chúng ta cần có hệ thống chăm sóc cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe cho NCT. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế và Bộ LĐ,TB&XH rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về dân số, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.

Ở Nhật Bản, NCT chiếm 23,1% dân số thì ngân sách của y tế đã phải dành 80% cho NCT. Hiện nay, tỷ lệ NCT Việt Nam chiếm hơn 10% dân số nhưng tiền thuốc đã chiếm tới 50%. Điều đó cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe cho NCT đang là một thách thức lớn cho ngành y tế. Bộ Y tế đã có chủ trương xây dựng 3 trung tâm lão khoa lớn ở Hà Nội, Huế và TP HCM và tất cả bệnh viện đa khoa đều phải có khoa Lão. Do còn khó khăn về vấn đề nhân lực nên có khoảng 27 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thành lập khoa Lão nhưng thực chất là cán bộ từ khoa nội chuyển sang. Do đó, để chăm sóc NCT tốt hơn, thích ứng với một xã hội già hóa, theo TS Dương Quốc Trọng, cần có lộ trình đào tạo các bác sỹ, y tá, điều dưỡng về lão khoa, đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực trong toàn xã hội để xây dựng thêm các trung tâm dưỡng lão và nhiều mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng.

Theo ĐCSVN