Dự kiến hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách 42.000 đồng/tháng

07/05/2014 09:30 AM


Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/6/2014, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt với mức 42.000 đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ này sẽ được hỗ trợ trực tiếp theo từng quý.


Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 hiện đang được áp dụng, các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo lấy từ tiền bán điện. Còn theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 tới đây, ngoài hộ nghèo thì hộ chính sách xã hội (không thuộc diện hộ nghèo) có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh cũng được hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Nhằm hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho 2 đối tượng trên, đề xuất mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng cho các hộ trên tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 42.000 đồng/hộ/tháng. Khi cơ quan có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Tài chính sẽ thông báo mức hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo và hộ chính sách xã hội để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện. Về phương thức, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội bằng tiền, chi trả đến hộ gia đình theo từng quý với mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt 126.000 đồng/hộ/quý (42.000 đồng/hộ/tháng x 3 tháng). Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo theo nguyên tắc sau: Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi. Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50% thì Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí, 50% kinh phí còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, yêu cầu phải thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn trên cơ sở thực hiện toàn diện các giải pháp; ưu tiên tập trung cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn lực đầu tư. Qua tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhiều sáng kiến được các địa phương, cộng đồng dân cư áp dụng, đạt hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bài học kinh nghiệm là, địa phương nào có sự vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách giảm nghèo của Trung ương, đề ra các giải pháp, sáng kiến, mô hình cụ thể, phù hợp thì ở nơi đó giảm nghèo đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện cũng còn bộc lộ một số hạn chế cả về cơ chế, chính sách, về bố trí và huy động nguồn lực và về tổ chức thực hiện. Chính sách giảm nghèo liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội, được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, khó theo dõi, áp dụng, còn chồng chéo, trùng lắp, một số chính sách còn mang tính cào bằng, mức hỗ trợ thấp, chưa tính toán hợp lý khả năng cân đối ngân sách…

Do đó, yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo cần có lộ trình và tiến độ thực hiện hợp lý, theo hướng đa chiều, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, thực hiện từ thấp đến cao, không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Cơ chế quản lý cũng cần được khẩn trương sửa đổi, bổ sung, nhằm phát huy vai trò của cơ sở, cộng đồng; xây dựng, hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đầu tư, cơ chế thanh toán vốn cho giảm nghèo trên cơ sở áp dụng cơ chế đầu tư, thanh toán vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, xây dựng cơ chế lập và giao kế hoạch hàng năm sang trung hạn để tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, cộng đồng. Cần phân loại đối tượng theo thứ tự ưu tiên: đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo; từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Phân loại các nhóm đối tượng và có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nhóm đối tượng này; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không) đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Các Bộ ngành trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình thực hiện ở các địa phương theo lĩnh vực, địa bàn được phân công; tổng hợp, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo những phát hiện bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện của địa phương để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Các địa phương cần cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo; xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể trên địa bàn, có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng, khuyến khích vươn lên thoát nghèo; nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo 24h.com.vn, DTO