Các chế độ đối với lao động hàng hải sẽ được thay đổi như thế nào?

07/05/2014 09:26 AM


Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định về lao động hàng hải trong đó quy định chi tiết về hợp đồng lao động, chế độ hồi hương, chế độ làm việc và nghỉ ngơi và các chế độ khác đối với thuyền viên.


Bộ Giao thông vận tải cho biết, Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (Công ước MLC 2006) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua ngày 23/2/2006 và có hiệu lực từ ngày 20/8/2013. Tính đến ngày 8/5/2013, Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 40 tham gia phê chuẩn trước khi Công ước có hiệu lực, thể hiện sự đồng thuận rất lớn của cộng đồng hàng hải Việt Nam và Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 8/5/2014. Để chuẩn bị triển khai thực hiện khi Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, việc nội luật hóa các quy định của Công ước vào pháp luật trong nước là việc làm rất cần thiết. Qua quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật, giữa Công ước MLC 2006 với pháp luật Việt Nam còn có nhiều nội dung của Công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp, hoặc còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Ví dụ như những quy định còn có điểm khác về giấy chứng nhận sức khỏe của thuyền viên; về tổ chức dịch vụ việc làm cho thuyền viên; hợp đồng lao động thuyền viên; nghỉ phép hàng năm; hồi hương của thuyền viên. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định về têu chuẩn tối thiếu về chỗ ở, khu vực sinh hoạt, khu vực giải trí của thuyền viên; tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nước uống và định lượng bữa ăn của thuyền viên; đào tạo, cấp chứng chỉ cho đầu bếp, cấp dưỡng trên tàu; thủ tục giải quyết khiếu nại của thuyền viên ở trên tàu, ở trên bờ…

Lao động hàng hải (thuyền viên) là một trong những ngành nghề đặc thù và có tính chất nguy hiểm cao, ngoài việc áp dụng những yêu cầu chung về lao động theo pháp luật lao động, lao động hàng hải cần phải có những quy định riêng phù hợp với ngành nghề chuyên môn. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về lao động hàng hải quy định chi tiết về hợp đồng lao động, chế độ hồi hương, chế độ làm việc và nghỉ ngơi và các chế độ khác đối với thuyền viên là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của Công ước MLC 2006 mà Việt Nam là thành viên và yêu cầu thực tiễn hoạt động hàng hải hiện nay. Dự thảo Nghị định về lao động hàng hải được Bộ Giao thông vận tải soạn thảo gồm 7 chương, 34 điều và 4 phụ lục kèm theo. Trong đó, quy định về yêu cầu tối thiểu để thuyền viên làm việc trên tài biển Việt Nam; điều kiện lao động đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; điều kiện về chỗ ở, khu vực giải trí, thực phẩm và cung cấp thực phẩm cho thuyền viên; bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, phúc lợi và an sinh xã hội; quản lý nhà nước về lao động hàng hải… Đặc biệt, Chương III của dự thảo đã quy định chi tiết về tổ chức dịch vụ việc làm cho thuyền viên, hợp đồng lao động thuyền viên, tiền lương, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên, chế độ nghỉ phép hằng năm, nghỉ lễ, Tết, hồi hương, trợ cấp cho thuyền viên khi tàu bị tai nạn hoặc chìm đắm và chính sách nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và tạo việc làm cho thuyền viên. Việc xây dựng Nghị định về lao động hàng hải góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh về lao động hàng hải đặc thù, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động hàng hải và nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên để khai thác hiệu quả đội tàu biển của Việt Nam.

Theo ĐCSVN