Chương trình giảm nghèo: Cần rót vốn đúng đối tượng
25/06/2014 03:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mới đây, tại Hà Nội, tổ chức Oxfam đã công bố kết quả Khảo sát việc triển khai và tiếp cận Chương trình 30A (Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 64 huyện nghèo) tại Si Ma Cai (Lào Cai); Tương Dương (Nghệ An) và Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Canh tác ở SiMa Cai (Lào Cai)
Nhiều mục tiêu chưa đạt
Bà Nguyễn Lê Hoa-Quyền giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Nghiên cứu được thực hiện trong năm 2012 - 2013, dựa trên số liệu thu thập thông qua khảo sát ngẫu nhiên với 1.440 hộ gia đình và các cán bộ huyện, xã tại 3 huyện nói trên. Dù Chương trình đặt mục tiêu giảm lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội (đến năm 2015), nhưng trên thực tế cơ cấu lao động việc làm trong nông nghiệp tại các huyện khảo sát không thay đổi nhiều. Chẳng hạn tại Tương Dương và Ba Tơ, số liệu điều tra trước khi thực hiện Chương trình (năm 2009) cho thấy 80% đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế dựa vào nông nghiệp, và số liệu này không thay đổi sau 5 năm thực hiện Chương trình.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, đối với mục tiêu của hoạt động hỗ trợ sinh kế thông qua 5 nội dung lớn là bảo vệ rừng, xúc tiến xuất khẩu lao động (XKLĐ), tập huấn, trợ cấp gạo và hỗ trợ vay ưu đãi cũng gặp nhiều thách thức. Ví dụ chương trình bảo vệ rừng, theo tính toán, ước chỉ có 2 xã Lưu Kiền và Tam Quang (thuộc Tương Dương) có khoảng 3-4% hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình này, tại các xã khác tỷ lệ chỉ là 0-1%.Với chương trình XKLĐ, Chương trình 30A đặt mục tiêu đưa 7.500-8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tương đương 10 lao động/xã. Dù vậy, kết quả khảo sát cho thấy trong 3 huyện chỉ có Tương Dương có khả năng đạt mục tiêu này. Tại huyện Si Ma Cai, ước chỉ có 0-3 người/xã, hay như Ba Tơ có xã Ba Dinh không có người nào đi XKLĐ.
Đổi mới cơ chế giám sát
Chương trình 30A là một sáng kiến trọng điểm về XĐGN ở Việt Nam tại 64 huyện nghèo nhất, được Chính phủ thông qua năm 2008. Trong thời gian từ năm 2009-2011, Nhà nước đã chi hơn 400 triệu USD cho chương trình này, trung bình mỗi huyện nhận được 2 triệu USD/năm.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác XĐGN và 30A là một trong những chương trình có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu Oxfam đã đề xuất 4 khuyến nghị quan trọng để việc triển khai Chương trình 30A nói riêng và các chương trình giảm nghèo nói chung tại Việt Nam hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới. Thứ nhất, đó là cần đổi mới cơ chế giám sát, đánh giá các chương trình giảm nghèo. Thứ hai, cần xác định lại các mục tiêu, ưu tiên trọng tâm của Chương trình 30A tại từng huyện, thay vì mới chỉ tập trung phần lớn vào cơ sở hạ tầng như hiện nay. Thứ ba, nên tổ chức các lớp khuyến nông, tập huấn bằng tiếng dân tộc hoặc có người phiên dịch nhằm đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho các đối tượng dân tộc thiểu số với trình độ tiếng Việt khác nhau. Cuối cùng, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần khảo sát thứ tự ưu tiên đối với người dân, bởi theo khảo sát năm 2013, công trình nước sạch đang là nhu cầu cấp thiết của người dân tại nhiều nơi.
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...