Tăng viện phí cần đi đôi với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
11/07/2013 09:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa chính thức thông qua việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho cơ sở y tế công lập trên địa bàn với mức tăng bình quân gấp đôi so với mức đang áp dụng. Tại Kỳ họp của HĐND thành phố vừa qua, việc điều chỉnh giá viện phí đã nhận được 84,5% số phiếu tán thành và được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như chi phí khám chữa bệnh đối với người nghèo khi áp dụng giá viện phí mới đang là vấn đề được đặt ra.
Giảm gánh nặng bù lỗ
Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, giá viện phí điều chỉnh lần này cũng mới chỉ tính đúng chứ chưa thể tính đủ các chi phí thực tế. Nếu trước đây, các bệnh viện công của Hà Nội đều phải bù lỗ do giá viện phí quá thấp thì sau khi áp dụng giá viện phí mới, các cơ sở y tế sẽ bớt khó khăn hơn.
Hà Nội là địa phương gần cuối cùng điều chỉnh giá viện phí (chỉ trước thành phố Hồ Chí Minh) với 819 dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh. Cụ thể, đối với khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp Giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ. Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I được điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày. Các khoa cơ-xương-khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng, mắt, răng hàm mặt, ngoại, phụ sản không mổ, điều chỉnh từ 7.000 đồng/ngày lên 53.000 đồng/ngày...
Theo bà Liên, giá viện phí điều chỉnh lần này sẽ được áp dụng từ ngày 1/8. Sau khi điều chỉnh giá viện phí, kinh phí thu được từ hoạt động khám chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội sẽ tăng gấp đôi. Nếu như trước đây, nguồn kinh phí này là 1200 tỷ đồng/năm thì nay sẽ tăng lên 2400 tỷ đồng/năm. Phần kinh phí tăng thêm này sẽ được dành 70 - 80% chi trả trở lại tiền thuốc, vật tư tiêu hao cho các cơ sở y tế; phần còn lại được chi cho trên 40 cơ sở khám chữa bệnh với mức trung bình mỗi cơ sở được từ 3 - 5 tỷ đồng/năm. Nhờ nguồn kinh phí này, các bệnh viện sẽ trút được gánh nặng bù lỗ, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Việc điều chỉnh giá viện phí là do khung giá dịch vụ y tế hiện nay của các bệnh viện được thực hiện dựa trên cơ sở giá tính từ thời điểm thông tư 14 ban hành cách đây 18 năm không còn phù hợp. Cơ cấu giá không phản ánh đúng chi phí tối thiểu cho việc sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư thực hiện các dịch vụ y tế, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong cân đối chi phí... Trong khi các chi phí phục vụ khám chữa bệnh liên tục tăng thì phí dịch vụ y tế quá thấp, các bệnh viện thường xuyên phải "co kéo" cắt giảm chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. "Nếu không tăng giá, nhiều bệnh viện của Hà Nội không đủ tiền mua thuốc, vật tư, thiết bị. Thực tế, nhiều bệnh viện của Hà Nội đang lâm vào cảnh nợ nần"- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên khẳng định.
Nói về bất cập của giá viện phí, Giám đốc Bệnh viện Vân Đình Nguyễn Văn Chương cho biết: Càng nhiều bệnh nhân mổ, bệnh viện càng phải bù lỗ. Mà lỗ thì không có kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị y tế dẫn đến máy móc hay bị hỏng. Bệnh viện không có trang thiết bị khám chữa bệnh, người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị với giá dịch vụ y tế cao hơn nên mức chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng cao hơn. Người bệnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn mỗi khi ốm đau, bệnh tật. “Nếu có điều chỉnh một phần viện phí thì bệnh viện không phải bù lỗ vật tư tiêu hao, hóa chất và có điều kiện duy tu bảo dưỡng máy móc, phụ thêm tiền điện nước.”- ông Chương nhấn mạnh.
Theo Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn Trần Đăng Khoa, việc điều chỉnh giá viện phí lần này áp dụng giá viện phí điều chỉnh lần này giỏi lắm cũng chỉ giúp bệnh viện đỡ phải bù lỗ vật tư tiêu hao, hóa chất; duy tu bão dưỡng máy móc; phụ thêm tiền điện nước chứ cũng không đủ để mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị cũng như nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế. Giảm được bù lỗ, bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Để đáp ứng quyền lợi cho người bệnh khi tăng giá viện phí, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế được phép áp dụng giá điều chỉnh phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị điều hòa, máy vi tính, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để thực hiện theo quy định hiện hành.
Việc tăng viện phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng là vấn đề đang được ngành y tế Hà Nội trăn trở tìm giải pháp. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết: Cùng với việc áp dụng mức giá viện phí mới từ ngày 1/8, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh, cơ sở nào vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trước đó, ngành y tế Hà Nội đã triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện đã được nâng cấp, xây mới khu khám bệnh và điều trị cho bệnh nhân; đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện để phát triển thêm nhiều kỹ thuật y tế mới, chuyên sâu ngang tầm với các bệnh viện Trung ương. Trong năm 2012, ngành y tế đã đầu tư 23 tỷ đồng thực hiện cải cách hành chính ở khoa khám bệnh của các bệnh viện nhằm cải tiến qui trình khám bệnh, giảm tải và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Vẫn còn nỗi lo của người nghèo
Tại các bệnh viện, vẫn còn không ít bệnh nhân tỏ ra lo lắng trước thông tin tăng giá viện phí, nhất là những người làm nông nghiệp, bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế. Chị Dư Thị Liên, 46 tuổi ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa thường xuyên ốm đau phải đi bệnh viện nhưng chị không mua bảo hiểm y tế với lý do là “Phải đóng một lúc mấy trăm ngàn mua thẻ mà đi khám bệnh không được đối xử như bệnh nhân khác, phải chờ đợi lâu”. Chị nói: Nhà chỉ có 8 sào lúa, mỗi năm thu vài tấn thóc, nếu chỉ ăn cơm rau, cơm muối mỗi năm chỉ để ra được 3 triệu đồng. Nếu tăng giá viện phí, nhà nông như tôi lấy đâu tiền chi trả.
Ông Nguyễn Danh Đoán, 48 tuổi, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa cho biết: Mặc dù ông có bảo hiểm y tế nhưng một tháng ông cũng phải chi phí hết 200.000 đồng để điều trị bệnh gan. Số tiền này đối với người khác không lớn nhưng với người chỉ có nghề nông như ông là cả một "vấn đề".
Như vậy, có thể nói, bảo hiểm y tế là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nghèo khi điều chỉnh giá viện phí. Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nông dân vẫn đang gặp khó khăn. Hiện nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi... nhưng tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế còn rất thấp. Nên chăng cần có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân để giảm bớt khó khăn cho người nghèo khi khám chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho cả các cơ sở y tế.
Theo TTXVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...