Cần xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT

27/03/2014 03:42 AM


Tình trạng các doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Tính đến ngày 28/02/2014, số nợ BHXH, BHYT là 12.740,6 tỷ đồng, tăng 6.315,1 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 31/12/2013; tăng 2.344,6 tỷ đồng (22,6%) so với cùng kỳ năm 2013.


Cần có chế tài xử lý mạnh đối với các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng

Thời gian qua, mặc dù BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT; đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị cố tình né tránh việc tham gia BHXH, BHYT đối với người lao động, khởi kiện các đơn vị nợ, đưa danh sách các đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị còn nợ BHXH, BHYT. Chỉ trong 02 tháng đầu năm 2014, BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện khởi kiện 3.425 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, thu hồi được 223,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù đã áp dụng những biện pháp mạnh nhưng tình hình nợ đọng BHXH không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

Tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm. Cả nước hiện có hơn 60 nghìn doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động dẫn đến nợ BHXH, BHYT tăng nhanh. Mặt khác, không ít các đơn vị cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền Quỹ BHXH, BHYT. Trong đó, có những trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì doanh nghiệp mới chịu nộp. Một số trường hợp Thanh tra lao động ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH, BHYT nhưng doanh nghiệp không nộp phạt. Thậm chí, một số doanh nghiệp bị kiện ra Tòa về việc chậm đóng BHXH, BHYT nhưng vẫn không chấp hành các phán quyết của Tòa hoặc có một số trường hợp không thi hành được bản án để thu hồi nợ. Việc trốn đóng, chậm đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động chưa cao, còn có tình trạng chiếm dụng tiền đóng BHXH. Có doanh nghiệp cố tình không đóng hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người làm công tác quản lý của đơn vị để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Người lao động không am hiểu pháp luật, sợ mất việc làm hoặc bị đuổi việc khi đấu tranh với chủ sử dụng lao động về quyền lợi tham gia BHXH, BHYT. Chẳng hạn như, mới đây phóng viên tại một cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Quận Ba Đình phản ánh, tínhtừ tháng 8/2011 đến tháng 01/2014, số tiền đơn vị này nợ BHXH lên tới 631.651.295 đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 20 người lao động là nhà báo, phóng viên, người lao động. Do việc nợ đọng BHXH như vậy nên từ năm 9/2011 đến nay, người lao động làm việc tại tờ báo này không được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, không được nâng bậc lương theo quy định… Một số trường hợp chuyển công tác không “chốt được” sổ BHXH khi về cơ quan mới, không được nâng lương theo định kỳ.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cả hàng trăm người lao động, theo số liệu mới nhất của Ban Thu, BHXH Việt Nam cung cấp: Cty TNHH May mặc XK VIT Garment, Khu CN Quang Minh, Mê linh (Hà Nội) nợ  BHXH 50 tháng với số tiền là 16.906.774.394 đồng;  Công ty CP Cầu 14 CIENCO 1, 144/95 Vũ Xuân Thiều - Quận Long Biên, Hà Nội  nợ BHXH, BHYT 34 tháng, số tiền là 16.261.503.510 đồng; Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Nam, 197 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, Q.7, TP. Hồ Chí Minh nợ BHXH, BHYT 21 tháng, với số tiền là  33.099.160.162 đồng; Công ty Cổ phần LISEMCO, Km 6 Quốc Lộ 5 Hùng Vương, Hồng Bàng - Hải Phòng nợ BHXH, BHYT 28 tháng với số tiền là 19.950.482.510 đồng...

Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập như: mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động... Quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất vay Ngân hàng nên đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ BHXH chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng Quỹ BHXH, BHYT.

Quy định về thẩm quyền xử phạt các vi phạm pháp luật BHXH chưa phù hợp với thực tiễn, cơ quan BHXH trực tiếp đi kiểm tra phát hiện vi phạm Luật BHXH nhưng không có thẩm quyền xử phạt nên không có tác dụng ngăn ngừa vi phạm Luật. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước không có bộ phận thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực BHXH dẫn đến các vụ việc do cơ quan BHXH phát hiện, chuyển cơ quan thanh tra để xử lý rất hạn chế, không tác động tích cực đến công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT.

Cần có chế tài xử phạt nghiêm các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT

Trước tình trạng trên, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH. Tăng cường cử cán bộ chuyên quản xuống các đơn vị sử dụng lao động để kiểm tra, đôn đốc việc thu nộp BHXH, phối hợp với đơn vị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục phối hợp với SởLĐ-TB&XH, Tổ công tác Liên ngành, Công an địa phương, Sở Y tế, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh... tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề và kiên quyết xử lý các đơn vị nợ; lập hồ sơ, kiên quyết xử lý và khởi kiện đơn vị nợ đọng ra tòa. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, phối hợp với Ngân hàng triển khai Công văn số 7818/NHNN-TTGSNH ngày 22/10/2013 của Ngân hàng Nhà nước về việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng BHXH đối với các doanh nghiệp nợ BHXH.

Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH cho người lao động.

Trước thực trạng nợ đọng BHXH gia tăng, cần có các chế tài xử lý mạnh hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, cần quy định nâng mức xử phạt hành chính, nâng lãi suất chậm đóng như lãi suất quy định tại Luật Quản lý Thuế; giao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu đưa vào Bộ Luật Hình sự tội danh trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật BHXH, Luật BHYT./.

Nguồn TC BHXH