Bấp bênh đời sống vạn chài
20/06/2014 09:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nằm ven sông nhưng không có đất nông nghiệp, người dân thôn Thụy An (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) nhiều năm qua sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Tuy nhiên, gần đây, vì nhiều lý do mà lượng cá, tôm ngày một ít khiến thu nhập của dân chài bị ảnh hưởng...
Làng chài mùa... hiếm cá
Làng chài Thụy An vào một ngày cuối tháng 5, trời như đổ lửa. Gần trưa, các thuyền chài rủ nhau tấp vào bờ nghỉ tránh nắng nóng. Buộc dây thuyền vào chiếc cọc ven sông, bà Phan Thị Tài (65 tuổi), người thôn Thụy An cho biết, nếu trước đây, từ tháng 2 - 6, tôm cá theo dòng nước từ thượng nguồn đổ về rất nhiều thì nay ngày càng ít, ngay cả vào mùa mưa. Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều công trình thủy điện, thủy lợi được xây dựng mới chặn ở phía thượng nguồn. Dòng chảy bị chặn tại nhiều điểm, khiến lưu lượng nước đổ về hạ nguồn giảm mạnh. Lượng tôm, cá cũng thế mà khan hiếm dần. "Nếu như cách đây chừng 10 năm, mỗi ngày, một hộ có thể đánh bắt cho thu nhập cả triệu đồng, thì nay có rong ruổi cả ngày vất vả cũng chỉ được 150.000 - 300.000 đồng" - bà Tài nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm, người đã có hơn 50 năm làm nghề chài lưới cho biết thêm, bên cạnh việc nước sông ngày càng cạn thì do phía thượng nguồn hoặc ở lưu vực khác, chủ yếu là khu vực làng Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Liên Trung (huyện Đan Phượng) hay Vân Hà (huyện Phúc Thọ), người dân sử dụng xung điện để đánh bắt cũng khiến sản lượng cá, tôm tại lưu vực sông Hồng đoạn chảy qua xã Tráng Việt bị suy giảm. Tình trạng này đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, nhưng theo lời của nhiều dân chài Thụy An, việc "đánh bắt trộm" vẫn thường xuyên diễn ra.
Cũng bởi việc đánh bắt gần bờ ngày một khó hơn nên trong một vài năm trở lại đây, một số hộ chài lưới ở Thụy An đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua thuyền máy để có thể đánh bắt thủy sản ở các lưu vực xa hơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế có hạn nên hiện nay, số hộ có thể bỏ ra cả trăm triệu đồng để sắm thuyền máy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nỗi lo đời sống bấp bênh
Phần lớn thủy sản sau khi đánh bắt được người dân Thụy An chở thuyền sang bán ở bờ hữu sông Hồng, chủ yếu là cho tiểu thương các xã thuộc huyện Đan Phượng để tránh mất công vận chuyển xa. Nhờ thu nhập từ đánh bắt cá, tôm, đời sống của một bộ phận người dân thôn Thụy An vẫn được đảm bảo, tuy nhiên, nỗi lo mất nghề và tương lai bấp bênh thì luôn đau đáu trong suy nghĩ của những dân chài nơi đây. Ông Nguyễn Văn Vượng - Trưởng thôn Thụy An cho biết, so với 3 thôn khác trong xã Tráng Việt là Đông Cao, Tráng Việt và Đẹp Thôn, thì Thụy An khó khăn hơn cả. Toàn thôn hiện có 117 hộ nhưng do không có đất canh tác nông nghiệp nên cuộc sống đều trông cả vào thu nhập từ nghề chài lưới. Dù hầu hết các hộ đã được "cắm" đất định cư nhưng vẫn còn không ít gia đình chưa có điều kiện xây nhà, phải sống tạm bợ trong những căn nhà cấp 4 hoặc trôi nổi trên thuyền. "Để cải thiện thu nhập cho người dân, cách đây khoảng 5 năm, xã đã hỗ trợ một số hộ phát triển mô hình nuôi cá lồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước sông Hồng cạn kiệt, mực nước tại một số lưu vực giảm sâu, việc nuôi trồng thủy sản liên tục rơi vào cảnh thất thu khiến người dân lần lượt phải bỏ nghề" - ông Vượng bộc bạch.
Trong khó khăn chung, người làm nghề chài lưới trong thôn đã chủ động chuyển đổi sang làm các nghề khác như buôn bán nhỏ lẻ, kinh doanh dịch vụ hàng quán, đi làm công tại các khu công nghiệp lân cận... Số người theo nghề chài lưới ở Thụy An bởi vậy cũng ngày một giảm dần. Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Nguyễn Văn Khơ cho biết thêm, so với các thôn khác, Thụy An khá thiệt thòi vì không có đất sản xuất nông nghiệp, cũng không thể mãi trông chờ vào con cá, con tôm nhất là khi nguồn lợi này ngày một ít dần. Cũng bởi vậy, cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây là việc thanh niên nam nữ trong thôn được khuyến khích, tạo điều kiện học hành "đến nơi đến chốn" để có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai.
Theo Báo Kinh tế đô thị
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...