Cần bảo đảm an toàn tài chính cho Quỹ BHYT

18/12/2013 02:30 AM


Dù Quỹ BHYT hiện đang có mức kết dư cao, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa thể yên tâm vì tình trạng lạm dụng quỹ vẫn xảy ra ở nhiều đơn vị KCB, số dư của quỹ cũng giảm liên tục trong mấy năm gần đây và nhiều chính sách BHYT mới cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho quỹ.

 


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Do số tiền thu từ BHYT tăng nhanh qua các năm nên hiện quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỷ đồng đến nay đã cân đối và có kết dư. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, lũy kế đến năm 2010 kết dư khoảng 2.810 tỷ đồng và lũy kế đến năm 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng. Nhưng có thể thấy, việc kết dư quỹ là do sau khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia được mở rộng. Thực tế, các địa phương có số kết dư Quỹ BHYT cao cũng chủ yếu là những địa bàn có đông đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, lương tối thiểu tăng nhiều lần trong những năm qua, trong khi viện phí hầu như không thay đổi cũng là nguyên nhân khiến Quỹ BHYT kết dư cao.

Nhưng theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cần quan tâm hơn nữa đến số kết dư Quỹ BHYT vì đây là loại quỹ ngắn hạn, chỉ giới hạn đóng và sử dụng trong năm. Nhiều nước không quy định quỹ kết dư, nếu kết dư sẽ tăng mức hưởng hoặc giảm mức đóng BHYT. Tuy nhiên, nguồn kết dư hiện được bổ sung cho địa phương có mức bội chi cao và đưa vào Quỹ BHYT nhàn rỗi để đầu tư sinh lời, bổ sung thêm kinh phí cho quỹ. Như vậy, nguồn tiền kết dư này chưa được sử dụng để hỗ trợ cho người tham gia BHYT nói chung, mà chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng.

Mặt khác, theo báo cáo đánh giá tác động tài chính của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế trình QH tại Kỳ họp thứ VI vừa qua, phương án lựa chọn sẽ dẫn đến tăng nghĩa vụ đóng góp của người tham gia BHYT thêm 1,5%, tức bằng 1/3 so với mức quy định hiện tại. Vì thế, gánh nặng chi phí cho các đối tượng liên quan, trong đó có cả nghĩa vụ chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm từ 2.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, thì việc tăng gánh nặng này sẽ khiến khó thu xếp nguồn kinh phí chi trả của Quỹ BHYT. Ngoài ra, số dư của quỹ BHYT liên tục giảm do cân đối quỹ hàng năm đều âm sẽ tạo biến động tiêu cực trong giai đoạn 2014 - 2018. Do vậy, nhiều ĐBQH khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho rằng, cần tiếp tục tính toán về tài chính hết sức thận trọng, chỉnh lý các chính sách trong dự thảo Luật để bảo đảm tính ổn định, bền vững của các phương án đưa ra.

Một nguy cơ khác đối với sự an toàn của quỹ BHYT là tình trạng lạm dụng quỹ đang diễn ra ở nhiều địa phương. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT của UBTVQH đã chỉ ra nhiều hiện tượng lạm dụng quỹ. Trong đó, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Luật BHYT hiện hành chỉ quy định giới hạn mức đóng, không có quy định về mức hưởng tối đa nên có bệnh nhân được chi trả nhiều tiền, trong khi có người được chi trả ít, gây mất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT và tăng nguy cơ bội chi quỹ. Ngoài ra, tình trạng chỉ định quá mức đối với dịch vụ khám, chữa bệnh khá phổ biến tại các bệnh viện; cơ quan BHXH phải thanh toán giá thuốc, vật tư y tế bất hợp lý, không quản lý được tình trạng KCB vượt tuyến, trái tuyến...

Do Quỹ BHYT là một loại quỹ ngắn hạn, cần sự năng động trong quá trình quản lý, nên báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất, cần nghiên cứu việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ BHYT. Phải xác định thành phần, quy mô, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn của hội đồng, nhất là trong việc ban hành các quy định, quyết định liên quan đến vấn đề chuyên môn nghiệp vụ khám, chữa bệnh, sử dụng kinh phí Quỹ BHYT, kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ. Cơ quan chức năng cũng phải làm rõ việc lập hội đồng có tăng bộ máy hành chính hay không? Chi phí phát sinh cho hoạt động của hội đồng sẽ được bảo đảm từ nguồn nào và dự báo mức chi phí sẽ như thế nào? Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý BHYT cấp tỉnh với cấp Trung ương, để bảo đảm được tính chủ động của địa phương cũng như không trùng lặp hoặc bỏ sót quản lý Quỹ BHYT./.

Nguồn: daibieunhandan.vn