Đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động

13/08/2019 07:09 AM


Cần thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả lao động nam và lao động nữ. Theo đó, cần quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và quy định bảo vệ thai sản đối với cả hai giới bằng các biện pháp, quy định cụ thể… Là nội dung các đại biểu đã trao đổi tại Hội thảo tham vấn về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

(ảnh minh họa)

 

Hội thảo nhằm tiếp tục thảo luận, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tới đây.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và xu thế toàn cầu. Các vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên thị trường lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả lao động nữ và lao động nam.

Thứ trưởng cũng cho biết, về cơ bản Bộ luật Lao động 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đã đảm bảo quyền lợi và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số vấn đề hoặc trở nên không còn phù hợp.

Đánh giá về tính bình đẳng trong việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012, đồng chí Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH cho rằng, về cơ bản, việc tăng tuổi hưu là điều tất yếu và có lợi đối với lao động nữ. Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của ILO, giai đoạn 2017 -2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như Việt Nam ngày càng giảm. Về khoảng cách giới về lương hưu năm 2017, với thời gian tham gia BHXH từ 28 năm đến 28 năm 11 tháng trở xuống, mức lương hưu của nữ cao hơn nam. Nhưng số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu từ 30 năm trở lên thì mức lương của lao động nữ chỉ bằng 83% của nam. “Do đó, tổng cộng lương hưu bình quân tất cả năm đóng BHXH nữ luôn chỉ bằng khoảng 84 % của nam giới”. Với bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu gấp và mức điều chỉnh cao gây nên tình trạng trì trệ, khủng hoảng việc làm. Việc tăng “sốc” sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng đối với cả thị trường lao động và toàn bộ nền kinh tế.

Dự báo về tình hình thị trường lao động tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 800.000 người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, có 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động, nhưng đến năm 2055, cứ 2 người tham gia vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đóng góp tăng trưởng hàng năm khoảng 0,218%.

Vụ trưởng Phạm Trường Giang, đối với một số công việc có tính chất đặc thù, khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp; trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu các chính sách hướng dẫn đối với từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, đối với công nhân trực tiếp sản xuất, hiện nay có những lo ngại khi lớn tuổi năng suất lao động không cao, doanh nghiệp không muốn sử dụng, mà thay vào đó là sử dụng lao động trẻ. Để giải quyết vấn đề này, chính sách BHTN sẽ không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Quỹ BHTN có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ  trợ một phần tiền lương hoặc đóng BHXH cho những lao động này, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện vụ Vụ Pháp chế thì cho rằng, điểm mới trong chính sách đối với lao động nữ trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; Cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới (trong đó Điều 137).

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả lao động nam và lao động nữ. Theo đó, cần quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và quy định bảo vệ thai sản đối với cả hai giới bằng các biện pháp, quy định cụ thể./.

Hà An