Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tối ưu hóa quy định làm thêm giờ cho người lao động

23/05/2019 05:00 PM


Cùng với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thì vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đang được nhiều người lao động và doanh nghiệp quan tâm. Theo các chuyên gia, việc mở rộng này dựa trên các nghiên cứu, đánh giá tác động về kinh tế - xã hội và tác động giới.

 

Mở rộng giờ làm thêm dựa trên các nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Theo ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), dự thảo Bộ luật Lao động đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Mức 400 giờ làm thêm một năm thì bình quân người lao động trong các ngành nghề này cũng chỉ làm thêm chưa đến 1,5 giờ/mỗi ngày làm việc.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, ông Thiện cho biết: Chính phủ đã quy định trong dự thảo 4 biện pháp gồm: Quy định nguyên tắc thỏa thuận với người lao động khi làm thêm giờ, chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ (kể cả làm bình thường và làm thêm giờ) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày; Trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ (Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết).

Về vấn đề này, ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng chia sẻ: Nếu tăng ca nhiều không phải là tăng thêm năng suất và hiệu quả làm việc mà có thể sẽ là một cuộc chạy đua xuống đáy vì thế nên tôi không hoàn toàn đồng ý việc mở rộng này. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như hiện nay, tôi thấy rằng có vẻ nhận được sự đồng tình của công nhân và những người lao động. Nhiều công nhân lao động nơi tôi đến khảo sát mong muốn doanh nghiệp phải có giờ làm thêm. Suy nghĩ đến cùng, vì sao công nhân làm thêm, chính là vì tiền lương còn thấp mà lại cần trang trải cuộc sống, chi tiêu nhiều thứ như: Thuê nhà, xăng dầu, nuôi con, gửi về quê giúp gia đình… Vì thế họ cần làm thêm. Và thời điểm họ cần làm thêm nhất chính là những tháng cuối năm. Theo tôi được biết thì Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tạm thời đồng ý với việc tăng giờ làm thêm đối với công nhân lao động nhưng đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp phải làm đúng các quy định tăng chế độ tiền lương đối với thời gian làm thêm của người lao động./.

 

PV