Phó Thủ tướng kỳ vọng năm 2021 công chức sống bằng lương
09/02/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng không bao lâu nữa, tiền lương thực sự là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của cán bộ, công viên chức.
Nhân dịp năm mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người được TƯ giao nhiệm vụ xây dựng đề án và triển khai các nhiệm vụ về cải cách tiền lương (Nghị quyết 27, TƯ 7 khoá 12) đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Cải cách tiền lương chỉ thành công khi bộ máy tinh gọn
Nghị quyết 27 đề ra mục tiêu: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị”, "Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ công viên chức".... Còn 2 năm nữa để thực hiện mục tiêu đề ra, theo Phó Thủ tướng, việc cải cách tiền lương lần này hoàn toàn khả thi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước khi có Nghị quyết 27, câu chuyện cải cách tiền lương được nhiều kỳ hội nghị TƯ đề cập nhưng chưa thể thông qua và không cải cách được cơ bản chính sách tiền lương vì vướng vấn đề về biên chế và nguồn kinh phí. Tuy nhiên, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị TƯ 6 khoá 12 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ trong khu vực hành chính nhà nước mà cả việc đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đây là giải pháp có tính đột phá, tạo điều kiện tiền đề cho cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương chỉ có thể thành công nếu thực hiện thành công sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Sắp tới, sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến tuổi nghỉ hưu hay thực hiện các chính sách liên quan đến tiền lương cũng đã có chủ trương rõ ràng, giải pháp cụ thể nêu trong Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH.
Chia sẻ về kế hoạch để Chính phủ đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, có ba việc rất quan trọng cần làm ngay.
Thứ nhất, muốn trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh cần xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm. Trong Nghị quyết TƯ cũng nhấn mạnh nguyên tắc dù phê duyệt gì cũng phải đảm bảo tinh giản biên chế.
Thứ hai, phải tăng cường sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19, tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế mỗi năm bình quân 2,5% tổng số biên chế, trước đây rất khó làm nhưng mấy năm gần đây ta làm rất quyết liệt.
Từ việc giao chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu biên chế để tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, bộ, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp bộ máy rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, các địa phương đã và đang sắp xếp tổ dân phố, cấp thôn, bản và sắp tới sáp nhập xã phường, quận huyện chưa đủ chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định của TƯ sẽ giúp bộ máy tinh gọn, giảm biên chế rất nhiều.
Tương tự, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng phải sắp xếp lại, viên chức tuyển mới ta sẽ không thực hiện chế độ hợp đồng suốt đời mà thực hiện chế độ hợp đồng lao động, không duy trì chế độ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trừ ở các đơn vị sự nghiệp phục vụ cho các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.
“Như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn lực cho cải cách tiền lương” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, chuẩn bị nguồn lực để cải cách tiền lương. Từ nay trở đi, hàng năm dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương và khoảng 40% tăng thu ngân sách TƯ cho cải cách tiền lương.
Cộng với khoản tiết kiệm được từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chúng ta sẽ có một nguồn lực đủ đến năm 2021 điều chỉnh lương theo phương án cải cách chính sách tiền lương.
Năm 2019 phải thực hiện xong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các bộ ngành, địa phương đang làm quyết liệt và đã có một số kết quả bước đầu. Khi làm cải cách chính sách tiền lương, theo báo cáo của TP Hà Nội, năm 2017 mới chỉ sắp xếp bước đầu đơn vị sự nghiệp công và đẩy mạnh sắp xếp bên trong các sở, ngành đã giảm được 5,4% chi thường xuyên - một mức rất lớn, chưa kể thu được vào ngân sách tiền đấu giá sử dụng đất từ việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức TƯ, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và số 19, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 11.000 tỷ đồng từ tinh giản bộ máy và sắp xếp, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng qua báo cáo khảo sát, thực tế hiện nay, 90% đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương có biên chế dưới 30 người, trong đó nhiều nơi chỉ có 10 người nhưng vẫn phải có “đinh, điền, tiền, triện” đầy đủ. Tức là có biên chế, có đất, có kinh phí riêng, rồi có con dấu, có thủ trưởng, cấp phó, có thư ký, lái xe, bảo vệ…, có đủ các thứ. Nên cần phải sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối, tinh giản biên chế.
Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp công lập mà đủ điều kiện thì chuyển sang cổ phần hoá (trừ các bệnh viên, trường học). Khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang hoạt động theo mô hình DN có nghĩa là giảm được 100% số biên chế ở đó trong diện hưởng lương từ ngân sách.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề cải cách, tinh giản biên chế là giảm số lượng người hưởng lương nhà nước chứ không phải giảm số lượng lao động. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ toàn bộ về tài chính và chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần còn tạo điều kiện thu hút thêm lao động ngoài xã hội.
Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27 có quy định năm 2019 phải thực hiện xong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, đồng thời triển khai xây dựng các hệ thống thang bảng lương, phương án chuyển lương cũ sang lương mới để có thể cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương.
Trong khu vực công, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của nhà nước và nguồn thu sự nghiệp công và tương thích với tiền lương trên thị trường lao động.
Từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức phải bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN, tiến tới cao hơn khu vực DN như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, giải quyết bất hợp lý về vấn đề tuổi nghỉ hưu. Bắt đầu từ 2021 thực hiện lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu, dự kiến nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi, thu hẹp khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu...
Theo Vietnamnet
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...