Công bố bốn Nghị quyết của QH tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV

13/12/2018 01:28 AM


Ngày 10/12, Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc ký ban hành Công văn số 2580/TTKQH-TT gửi cơ quan báo chí về việc công bố bốn nghị quyết của QH vừa được thông qua tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV. Cụ thể gồm: Nghị quyết số 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 73/2018/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Nghị quyết số 74/2018/QH14 về Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV.

 

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nghị quyết số 70/2018/QH14 - Bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.300 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỷ đồng. Quốc hội cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí 12.254,9 tỷ đồng theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào ngân sách nhà nước năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết thì thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019. Trong đó nhấn mạnh, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019.

Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ chỉ đạo đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị quyết này.
Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020

Theo Nghị quyết, Quốc hội cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 

Giao Hội đồng nhân dân các cấp quyết định phân bổ vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách địa phương của cấp mình bảo đảm các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về việc bổ sung danh mục dự án và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết nêu rõ: Sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay. Nghị quyết cũng giao Chính phủ bảo đảm cân đối nguồn vốn, xây dựng danh mục, dự kiến mức vốn cho các dự án cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nghị quyết số 73/2018/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019

Nghị quyết nêu rõ, thực hiện phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương; phân bổ bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Mức bội chi ngân sách địa phương và mức vay để bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của từng địa phương theo Phụ lục số 8 kèm theo.

Tổng thư ký Quốc Hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu thảo luận phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật; thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp thiết đang đầu tư dở dang. Căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án của từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật. Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỉ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ. Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2019.

Theo Nghị quyết số 73/2018/QH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và HĐND, UBND các cấp. Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách Trung ương bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 74/2018/QH14 về Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV

Theo đó, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ sáu. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ. Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung, cụ thể:

Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Nguồn ảnh: Báo Hà Nội mới)

Bầu Chủ tịch nước và thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước; Phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và thông qua 2 nghị quyết về các nội dung nhân sự này.

Thông qua 9 luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Cho ý kiến 6 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư. Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Thông qua 4 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia.

Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019) để thực hiện từ năm 2021.

Xem xét các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2018; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

Kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 của Quốc hội tối đa là 2 năm kể từ ngày 1-2-2019. Giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sớm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm Luật có hiệu lực trước ngày 1-2-2021.

Giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017”.

 

Theo BHXH VN