Ngày Pháp luật Việt Nam: Sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước

09/11/2018 05:00 PM


Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” do Bộ Tư pháp tổ chức tối 9/11, tại Hà Nội.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và đại diện một số cơ quan hữu quan tới dự.

Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật lấy ngày 9/11 (ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập) là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được triển khai từ năm 2013 và được duy trì hằng năm.

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cơ quan cùng với sự chủ động tham mưu của ngành tư pháp, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là điểm nhấn của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Ngày Pháp luật đã thực sự trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước. Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu trong đời sống xã hội; đến với từng cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phá biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Ngày Pháp luật đang góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, hội nhập, năng động; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân theo đúng tư tưởng dân chủ - pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Kết quả thực hiện Ngày Pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đã có đóng góp quan trọng cho sự tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là ưu tiên hàng đầu, thì việc đẩy mạnh triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật, trong đó, Bộ Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt Ngày Pháp luật những năm vừa qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Ngày Pháp luật đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội.

Để Ngày Pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo thực sự có ý nghĩa thiết thực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo.

Xây dựng giải pháp hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, mỗi người phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Một quốc gia phát triển vững bền cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam, mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động củna bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội.

Trong dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua 5 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Theo BHXH VN