"Tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động"

18/10/2018 05:00 PM


Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (một sáng kiến của Chính phủ Úc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ tại Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động”.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia về phụ nữ; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam; các đại biểu đại diện cơ quan Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban, ngành; các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động; các cơ quan ngoại giao; các tổ chức quốc tế;…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, bình đẳng, không phân biệt đối xử - trong đó có bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới - là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt của Bộ luật Lao động năm 2012.

“Về cơ bản, Bộ luật Lao động hiện hành đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có quy định riêng cho lao động nữ như thai sản, bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập khu vực, quốc tế và tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật Lao động cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” với một số vấn đề được chú ý. Đơn cử như, các quy định riêng đối với lao động nữ với mục tiêu bảo vệ lao động nữ nhưng thực tế đem lại tác động bất lợi với phụ nữ (như: cấm lao động nữ làm một số công việc, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm…), do các quy định này đã không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về thúc đẩy bình đẳng giới.

Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nói chung, bảo vệ sức khỏe sinh sản nói riêng do còn chịu ảnh hưởng của định kiến giới nên chưa bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình như: Chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm đau… hiện chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam.

Một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới rất hợp lý, song tính khả thi không cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp như: Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ…

Chia sẻ thông tin về nội dung này, bà Astrid Bant - quyền điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thời điểm Việt Nam thực hiện bước tiến tốt hơn nữa để phát triển nền kinh tế, dựa vào năng suất lao động cao và tạo ra việc làm thỏa đáng.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, sẽ là công việc cụ thể để Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới tại nơi làm việc, giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

"Bất bình đẳng giới không nên chỉ được xem là một vấn đề xã hội thuần túy nữa mà còn xét tới góc nhìn về vấn đề kinh tế. Bởi nó chính là thách thức lớn đối với sự tăng trưởng toàn diện và bền vững”, bà Astrid Bant nhấn mạnh.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.

Theo nhóm chuyên gia của Dự án Đầu tư cho Phụ nữ thì Bộ luật Lao động năm 2012 vẫn còn một số bất cập về giới như: Tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ do lo sợ tăng chi phí vì thực hiện chế độ nghỉ thai sản, tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con nữ lao động; việc hạn chế quyền làm việc của lao động nữ trong một số công việc làm ảnh hưởng tới cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động nữ. Ngoài ra, việc quy định tội quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Luật chưa rõ ràng, đầy đủ nên không có tính khả thi...

Những nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH với sự hỗ trợ của chính phủ Úc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ sẽ tập trung vào việc thay đổi cách tiếp cận, hoàn thiện các quy định đối với 04 nội dung trong Bộ luật Lao động hiện hành: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc; Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ; Hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.

Hoàn thiện những quy định về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động cũng đồng thời giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Luật Bình đẳng giới đã được ban hành từ năm 2006 và là đạo luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.

Thông tin về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Đình Bốn cho biết, dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đang được khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ vào tháng 01/2019. Theo đó, sẽ có 12 vấn đề chính về giới trong Bộ luật Lao động được đưa ra, bao gồm: Tuổi nghỉ hưu bằng nhau đối với nữ và nam. Bổ sung các quy định hiện hành để xác định rõ hơn và bảo vệ tốt hơn NLĐ khỏi quấy rối tình dục trong lao động. Bổ sung các quy định hiện hành để thực thi tốt hơn việc trả công bình đẳng giữa nam và nữ đối với công việc có giá trị như nhau. Bỏ danh mục nghề nghiệp cấm phụ nữ chỉ vì lý do giới tính. Thêm một điều khoản mới cấm người sử dụng lao động quảng cáo tuyển dụng và ban hành các tài liệu liên quan đến công việc có nội dung phân biệt đối xử vì lý do giới tính. Thêm quy định mới về cha mẹ nghỉ sinh con và nghỉ để chăm sóc cho các thành viên phụ thuộc của lao động nam và nữ...

Trong đó, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đưa các phương án sửa đổi về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu NLĐ bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lí do phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; chủ sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động sẽ không được xử lý kỷ luật sa thải đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao độngnữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; đồng thời, phải bố trí việc làm nhẹ nhàng hơn cho lao động nữ mang thai, không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa nếu lao động nữ mang thai không đồng ý…

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019 tại Kỳ họp thứ 7 khoá XIV và thông qua vào tháng 10/2019 tại Kỳ họp thứ 8 khoá XIV./.

 

Theo BHXH VN