Công tác đối ngoại của Quốc hội tiếp tục có chuyển biến căn bản

16/08/2018 05:00 PM


Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, sáng 16/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể về đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên họp quan trọng và ý nghĩa này để cùng bàn bạc, trao đổi về những định hướng, biện pháp phát triển quan hệ đối ngoại của đất nước, trong đó có ngoại giao nhà nước và đối ngoại Quốc hội.

Hai thuộc tính quan trọng của đối ngoại Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có quan hệ song phương ở kênh đối ngoại Quốc hội với 140 nước. Trong hơn hai năm qua, Quốc hội đã đón trên 60 đoàn nghị sĩ các nước thăm Việt Nam, trong đó có trên 30 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội/ Chủ tịch Thượng viện/Chủ tịch Hạ viện, đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng đã cử hơn 40 đoàn đi thăm và làm việc tại các nước.

Các chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác nghị viện, mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của ta.

Trong một số hoàn cảnh, tình huống, đối ngoại Quốc hội đã đảm nhiệm hiệu quả vai trò tiên phong, thăm dò, mở đường để phát triển quan hệ, cũng như xử lý những vấn đề có vướng mắc.

Trên các diễn đàn nghị viện đa phương, với phương châm tích cực và chủ động trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã tham gia hầu hết các diễn đàn nghị viện đa phương trong khu vực và trên thế giới, thể hiện hình ảnh là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối ngoại Quốc hội đã từng bước được nâng tầm từ tham gia sang chủ động đóng góp xây dựng và hiện nay đang đẩy mạnh việc đề xuất sáng kiến và định hình luật chơi theo hướng thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế và bảo đảm cục diện khu vực được định hình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thời gian qua, Quốc hội đã tích cực đề xuất và tạo dấu ấn nhiều chương trình nghị sự thiết thực cho các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới tổ chức thành công Hội nghị  khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” tại TP. Hồ Chí Minh, và gần đây nhất đã đăng cai tổ chức thành công APPF-26 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội, định hình tầm nhìn hợp tác APPF đến năm 2030, đã được nghị viện các nước đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng thành công của IPU-132 và APPF-26  đã cho thấy sự trưởng thành của đối ngoại quốc hội, cả về năng lực dẫn dắt và định hướng.

Đề cập đến vai trò lập pháp, Quốc hội đã tích cực thảo luận, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các đạo luật tạo hành lang pháp lý thiết thực với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

Từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã thông qua gần 50 các văn bản luật và nghị quyết, trong đó, có nhiều luật và nghị quyết có các nội dung liên quan tới công tác đối ngoại, như: Luật Tiếp cận thông tin (2016); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (2016); Luật Quản lý ngoại thương (2017), Luật Du lịch (2017), đặc biệt là Luật Điều ước quốc tế (2016) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài (2017), là những đạo luật quan trọng trực tiếp liên quan tới công tác của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan Đại diện ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của đối ngoại quốc hội

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện để phục vụ và bảo đảm lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cần tăng cường công tác tham mưu, tham vấn, giám sát, cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, tốt các nội dung liên quan, hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, cùng với ngoại giao Nhà nước, đặc biệt là đối ngoại Đảng, đối ngoại quốc hội, đối ngoại nhân dân nhằm xử lý tốt các vấn đề đối ngoại để bảo đảm phát huy tối đa và hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại.

Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương là định hướng chiến lược quan trọng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ và nâng cao vị thế đất nước.

Đặc biệt, trên các diễn đàn đa phương, cần phối hợp vận động bàn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trúng cử và thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Các cơ quan của Quốc hội, đầu mối là Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần phối hợp tốt trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; thúc đẩy và giám sát triển khai thực thi các thỏa thuận và cam kết quốc tế./.

 

Theo VGP