Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng

11/06/2018 05:00 PM


Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, với 86,86% đại biểu biểu quyết tán thành.

Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định về chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, theo đó, ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng- an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, khoa học- công nghệ và đối ngoại.

Nhà nước xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học- công nghệ để bảo vệ an ninh mạng…

Luật cũng quy định nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.

Đặc biệt, Luật nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi như: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế- xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia…

Theo đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng sẽ bị xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.

Theo Báo BHXH