Quản lý giá thuốc, vật tư y tế: Đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong khám, chữa bệnh BHYT

22/01/2018 08:31 AM


Trong cơ cấu chi BHYT ở Việt Nam, chi phí về thuốc, vật tư y tế chiếm trên 50% tổng số tiền chi trả khám, chữa bệnh BHYT. Chính vì vậy, vai trò của việc quản lý giá thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT rất quan trọng, đây là vấn đề có tính cấp thiết cần thực hiện tốt hơn, đáp ứng yêu cầu KCB đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT, nhất là trong bối cảnh giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng đã tác động rất lớn đến việc cân đối quỹ BHYT. Phóng viên Tạp chí BHXH đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (VTYT), BHXH Việt Nam về vấn đề này.

 

Trong năm 2017, rất nhiều yêu cầu về chính sách BHYT cần được bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, trong đó một số quy định về quản lý thanh toán thuốc và vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT được ban hành. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Ban Dược và VTYT đã có những tham mưu, đề xuất như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Tá Tỉnh: Xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ giao, với một khối lượng công việc rất lớn, phức tạp phải giải quyết, ngay từ những ngày đầu của năm 2017, tập thể Ban Dược và VTYT với 13 cán bộ CCVC đã đề ra kế hoạch, tranh thủ và bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm được giao, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành BHXH trong năm 2017.
Ban Dược và VTYT đã tham mưu giúp Tổng Giám đốc đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể là: Nghị định 54/2017/NĐ - CP ngày 08/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược. Thông tư số 43/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017 quy định tỷ lệ hao hụt đối với vị thuốc cổ truyền và việc thanh toán chi phí hao hụt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khắc phục các bất hợp lý vừa qua. Thông tư số 28/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 của Bộ Y tế quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Thông tư 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 ban hành Danh mục VTYT và tỷ lệ điều kiện thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Phối hợp với các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam đang tham gia với Bộ Y tế sửa đổi xây dựng một số quy định pháp luật về BHYT. Đề xuất với Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các tuyến bệnh viện; xây dựng Thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư y tế và tham gia của cơ quan BHXH vào quá trình đấu thầu VTYT.
Chủ động bám sát địa phương, tích cực phát hiện vấn đề và tham mưu các văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện, góp phần giảm bớt các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quản lý, thanh toán thuốc, VTYT góp phần quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, đảm bảo thanh toán chi thuốc, VTYT đúng quy định hiện hành. Trong năm 2017, Ban Dược và VTYT đã tham mưu cho lãnh đạo Ngành ban hành trên 150 văn bản chỉ đạo, trả lời vướng mắc của địa phương. Trong đó, có Quyết định số 3015/QĐ-BHXH quy định về việc tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH tại các cơ sở y tế; các văn bản hướng dẫn chung cần thiết trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT: Chỉ đạo BHXH 29 tỉnh chậm đấu thầu thuốc theo Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC thực hiện thu hồi chi phí chênh lệch giá thuốc với các tỉnh lân cận. Hướng dẫn thanh toán chi phí VTYT theo Thông tư số 04/2017/TT-BYT với Công văn số 2158/BHXH-DVT ngày 01/6/2017. Công văn số 4423/BHXH-DVT ngày 9/10/2017 về tăng cường quản lý một số nhóm VTYT có chi phí lớn, nhiều mức giá. Hướng dẫn xây dựng, tổng hợp nhu cầu mua thuốc tập trung quốc gia đối với thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT với Công văn số 2369/BHXH-DVT ngày 01/6/2017 và Công văn số 3172/BHXH-DVT về việc bổ sung hướng dẫn xây dựng, tổng hợp nhu cầu mua thuốc tập trung quốc gia đối với thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. Công văn số 3717/BHXH-DVT ngày 21/8/2017 về việc thanh toán chi phí thuốc tại các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Quốc phòng. Công văn số 3762/BHXH-DVT ngày 25/8/2017 về việc hướng dẫn thanh toán tỷ lệ hư hao thuốc YHCT, thuốc YHCT tự bào chế theo chế độ BHYT. Công văn số 5054/BHXH-DVT ngày 13/11/2017 về việc dừng thanh toán các thuốc tại Quyết định số 416/QĐ-QLD. Công văn 5010/BHXH-DVT ngày 10/11/2017 về việc lưu trữ hồ sơ tổng hợp nhu cầu mua thuốc tập trung quốc gia đối với thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 chiếm 48,3% trong chi phí khám, chữa bệnh BHYT và năm 2016 là 41%. Năm 2017, ước tính quỹ BHYT sẽ chi trả khoảng 36 ngàn tỷ đồng tiền thuốc dùng cho người bệnh BHYT, chiếm khoảng 40% tổng chi quỹ BHYT. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện thành công thí điểm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Đồng chí cho biết rõ hơn về kết quả này, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tá Tỉnh: Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, với mục tiêu lựa chọn thuốc có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh BHYT, tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/7/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 06/9/2017, Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với các thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. Ban Dược và VTYT đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Ngành chuẩn bị mọi mặt để triển khai thực hiện. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, trong quý 4 năm 2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu đã công bố là 935,99 tỷ, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3% đến 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 5 giảm tới 54,7%. Kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT nói riêng, người dân nói chung.

Thực tế cho thấy, vấn đề đấu thầu thuốc không chỉ là vấn đề cấp thiết ở Trung ương; xin đồng chí cho biết, công tác chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh tham gia đấu thầu mua thuốc tại địa phương?

Đồng chí Nguyễn Tá Tỉnh: Năm 2017,  Cơ quan BHXH đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình đấu thầu thuốc tại trên 300 hội đồng đấu thầu mua thuốc của Sở Y tế, các cơ sở KCB (đã có khoảng 700 cán bộ tham gia các hội đồng); Đa số tại các địa phương, cơ quan BHXH đã tham gia vào 4 khâu trở lên theo quy định.
Ban Dược và VTYT đã đã trực tiếp cử cán bộ tham gia tổ thẩm định Kế hoạch đấu thầu mua thuốc tại hơn 60 bệnh viện Trung ương thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành. Trong quá trình tham gia thẩm định KHĐT mua thuốc của các bệnh viện Trung ương đã có nhiều ý kiến tích cực: yêu cầu chuyển các thuốc có hàm lượng không phổ biến, giá cao sang các thuốc có hàm lượng thông dụng, giá hợp lý; đề nghị điều chỉnh giảm số lượng thuốc biệt dược gốc sang thuốc generic (đặc biệt các thuốc có giá biệt dược gốc cao hơn nhiều so với generic nhóm 1), đề nghị điều chỉnh số lượng thuốc kế hoạch không phù hợp với thực tế sử dụng... Qua đó, đã tiết kiệm so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm trước hàng trăm tỷ đồng. Vai trò của cơ quan BHXH tiếp tục được phát huy, tăng cường minh bạch và có tác động tích cực đến kết quả lựa chọn nhà thầu (giá thuốc, lựa chọn thuốc), góp phần loại bỏ, khắc phục nhiều bất hợp lý trong KHĐT của các cơ sở y tế: tác động do ghi thông tin thuốc; phát hiện và loại bỏ thuốc có hàm lượng không thông dụng có giá cao bất hợp lý; giá kế hoạch chênh lệch bất hợp lý giữa các nhóm thuốc, giữa các loại hàm lượng...
Về hiệu quả tham gia đấu thầu thuốc của BHXH các tỉnh là rất rõ rệt, qua so sánh 4.600 mặt hàng thuốc cùng trúng thầu năm 2016 và 2017 tại cùng một hội đồng ở 54 địa phương, có 328 mặt hàng bằng giá, 2592 mặt hàng giảm giá, tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm so với năm trước số tiền 707 tỷ (giảm 2% tổng giá trị trúng thầu), có 1680 mặt hàng tăng giá tổng giá trị thuốc trúng thầu tăng so với năm trước là 306 tỷ (tăng 0,8% tổng giá trị trúng thầu), giá trị thực giảm là trên 400 tỷ đồng.
Chỉ đạo BHXH các tỉnh tăng cường kiểm soát chi phí thuốc biệt dược gốc (BDG), thuốc hỗ trợ trong điều trị, thuốc đánh giá hiệu quả không rõ ràng, kết quả tỷ trọng chi phí trên tổng chi phí thuốc của các thuốc này giảm so với năm 2016. Đối với thuốc BDG, năm 2016 chi BDG khoảng 8.162 tỷ đồng chiếm 25,3%, dự kiến năm 2017 chi BDG chiếm 23,7%, giảm 1,6%. Kiểm tra các thuốc sử dụng năm 2016, cảnh báo kiểm soát các thuốc có hàm lượng giá cao bất hợp lý so với hàm lượng khác (năm 2016 xuất hiện 69 thuốc với tổng chi phí khoảng 575 tỷ chiểm 1,8% tổng chi thuốc), thì năm 2017 số thuốc này chỉ còn lại 32 thuốc và chi phí chiếm khoảng 1,6%, giảm 0,2% so với 2016. Nhiều mặt hàng thuốc như Albumin Human, acid amin, thuốc chế phẩm YHCT, các thuốc hỗ trợ trong điều trị... đều giảm rất nhiều so với năm 2017. 
Thực hiện kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ công tác tham gia đấu thầu thuốc, giám định và thanh quyết toán chi phí thuốc, vật tư y tế BHYT tại 13 tỉnh, thành phố. Cử cán bộ tham gia các đoàn công tác với Bộ Y tế. Qua đợt công tác, đã phát hiện, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, thu hồi chi phí sai quy định trong công tác tham gia đấu thầu, quản lý, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế hàng chục tỷ đồng. Khảo sát việc quản lý thanh toán VTYT tại 05 địa phương để nắm bắt tình hình tổ chức đấu thầu VTYT, việc thực hiện quản lý, thanh toán VTYT theo Thông tư 04 và kịp thời giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn BHXH tỉnh về nội dung quản lý, thanh toán VTYT. 
Ngoài ra, Ban Dược và VTYT tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kiểm soát mua sắm, sử dụng, thanh toán thuốc, vật tư y tế. Phối hợp với các đơn vị của BHXH Việt Nam với Bộ Y tế thực hiện mã hóa thuốc, VTYT; Công khai giá thuốc trúng thầu, giá thuốc trúng thầu trung bình để các địa phương có nguồn dữ liệu tốt trong tham gia đấu thầu thuốc, quản lý thanh toán chi phí thuốc; Công khai giá VTYT trúng thầu để các địa phương có nguồn dữ liệu tốt trong tham gia đấu thầu VTYT, quản lý thanh toán chi phí VTYT; Xây dựng hệ thống dữ liệu thuốc, vật tư y tế BHYT Quốc gia để quản lý, can thiệp và đề xuất chính sách thuốc…

Với những nỗ lực và kết quả đáng khích lệ trong năm 2017, đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2018?

Đồng chí Nguyễn Tá Tỉnh: Phát huy kết quả đạt được, năm 2018, Ban Dược và Vật tư y tế phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm, tập trung triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Giám đốc giao, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng quản lý thanh toán vật tư y tế, công tác tham gia đấu thầu thuốc tại các địa phương. Cụ thể là tiếp tục tham gia Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc. Tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Đàm phán giá thuốc quốc gia. Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Dược, Thông tư đấu thầu VTYT; đề xuất đấu thầu tập trung quốc gia đối với 1 số nhóm VTYT có chi phí cao, nhiều mức giá; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc, VTYT. Xây dựng phần mềm đấu thầu thuốc. Hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức. Xác định, công khai giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2017, 2018, kết quả trúng thầu thuốc, vật tư y tế năm 2017, 2018 của các địa phương. Kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn việc tham gia đấu thầu thuốc, quản lý và thanh toán chi phí thuốc tại các địa phương và các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, ngành. Kiểm soát chi phí 1 số nhóm VTYT có chi phí lớn; đấu thầu, quản lý và thanh toán đối với các thuốc có giá bất hợp lý. Kiểm soát chi phí thuốc BDG theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó các giải pháp trọng tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, các Ban, đơn vị liên quan để tham gia xây dựng hoàn thiện chính sách về thuốc, VTYT trong BHYT. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin và các đơn vị liên quan để xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác quản lý thanh toán chi phí thuốc, VTYT. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện tại địa phương trong lĩnh vực thuốc, VTYT…/.


Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Tạp chí BHXH