Đối thoại với DN Hàn Quốc về pháp luật lao động và BHXH

31/07/2017 12:22 AM


Ngày 21/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi đối thoại về pháp luật lao động và BHXH với các DN Hàn Quốc tại Việt Nam. Các ý kiến được ghi nhận cho thấy, hầu hết các DN vẫn còn băn khoăn về chính sách và chưa đồng thuận.

 

Tại buổi đối thoại, ông Ryu Hang Ha- Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6/2017, Hàn Quốc đã đầu tư 54,5 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Các DN Hàn Quốc đã giúp hơn một triệu lao động Việt Nam có việc làm, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.

Cùng với những thuận lợi có được tại Việt Nam, các DN Hàn Quốc cũng đang gặp phải một số khó khăn như: Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của các DN Hàn Quốc, chi phí cho nhân công ngày càng tăng do tăng lương tối thiểu hàng năm và việc đóng BHXH bắt buộc cho những NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam...

Liên quan đến quy định đóng BHXH cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đại diện một số DN đã đặt ra các câu hỏi: Vì sao NLĐ Hàn Quốc đã đóng BHXH ở Hàn Quốc nhưng vẫn phải đóng thêm một lần BHXH nữa ở Việt Nam; cơ sở hạ tầng cũng như trình độ y tế ở Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng sao lại có quy định NLĐ nước ngoài phải đóng BHYT… Bởi theo một số DN, điều này khiến cho không chỉ NLĐ Hàn Quốc, mà những DN đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư ở Việt Nam lo ngại khi chưa tìm được sự tương đồng...

Trước những thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp lý giải: NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc, bao gồm cả chế độ ngắn hạn và dài hạn (hưu trí, tử tuất), bởi Hiến pháp Việt Nam quy định phải đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả NLĐ và Việt Nam mong muốn không phân biệt đối xử giữa NLĐ trong với NLĐ nước ngoài. Hơn nữa, đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ NLĐ trong nước. Chi phí tuyển dụng lao động trong nước sẽ cao hơn tuyển lao động nước ngoài, nếu lao động trong nước phải đóng BHXH bắt buộc, trong khi lao động nước ngoài thì không.

Mặt khác, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam (đại diện phía Việt Nam) cùng Bộ Y tế- Phúc lợi Hàn Quốc và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc (đại diện phía hàn Quốc) đang tiến hành đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định về BHXH giữa hai nước. Hiệp định này sau khi được ký kết sẽ là cơ sở để thực hiện.

Bước đầu, hai bên đã thống nhất được các nội dung chính của Hiệp định như: Loại hình hiệp định; điều khoản đặc biệt của Hàn Quốc; ngôn ngữ giao dịch; bảo mật thông tin; nguyên tắc trong cộng dồn thời gian tham gia; việc trao đổi thông tin và hỗ trợ hành chính; giải quyết bất đồng trong việc áp dụng, giải thích Hiệp định; hiệu lực, thời gian hiệu lực và chấm dứt hiệu lực… Một số vướng mắc vẫn đang được các bên nghiên cứu, tìm cách tháo gỡ. Việc cơ quan chức năng Việt Nam đối thoại trực tiếp với DN Hàn Quốc là một trong những cách hiệu quả để nắm bắt đề xuất, nguyện vọng của DN trong quá trình thực hiện, từ đó tạo sự đồng thuận cao nhất.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ nước ngoài cũng như các DN nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Song, những quyền và lợi ích chính đáng đó cần phù hợp với quy định của nước sở tại, đảm bảo sự công bằng với NLĐ và DN trong nước…

 

Theo Báo BHXH