Mở rộng độ bao phủ BHXH: Chuẩn bị cho tương lai

09/06/2017 08:03 AM


Diện bao phủ BHXH ở Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều NLĐ chưa được tham gia và chưa được bảo vệ khỏi những rủi ro trong quá trình làm việc, nhiều người già không có lương hưu nên phải tự lo liệu cuộc sống hoặc phải sống phụ thuộc… Do đó, việc chuẩn bị cho tương lai của người dân, NLĐ là việc mà cả xã hội cần quan tâm ngay từ bây giờ. Báo BHXH đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.

* PV:Thưa ông, tại sao thời điểm này các cơ quan chức năng lại đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng diện bao phủ BHXH?

- Ông Doãn Mậu Diệp:

Chúng ta đã biết, Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới chỉ có trên 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 200.000 lao động đang tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 60 triệu người trong lực lượng lao động. Như vậy, từ nay đến năm 2020, chúng ta phải phấn đấu có được 30 triệu người tham gia BHXH mới đạt mục tiêu Nghị quyết 15 đã đề ra. Song, từ hơn 13 triệu tăng lên 30 triệu là khoảng cách rất xa và rất khó khăn.

Phải nói rằng, an sinh xã hội là mối quan tâm của bất kỳ quốc gia nào và Việt Nam không phải ngoại lệ. Việt Nam cũng coi BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH không phải bây giờ mới được cơ quan chức năng đặt ra, mà đã được bàn trong rất nhiều năm. Nhưng những năm vừa qua, tỉ lệ NLĐ, người dân tham gia BHXH không được nhiều, nên cần phải chú ý đến những giải pháp căn cơ hơn để có thể đạt được mục tiêu đó.

* Hiện nay, chúng ta mới thực hiện được BHXH ở khu vực có quan hệ lao động, còn khu vực lao động phi chính thức và BHXH tự nguyện vẫn còn “khoảng trống” khá lớn. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 15 đã đề ra, chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Việt Nam hiện có gần 60% lao động đang làm việc tại khu vực phi kết cấu, khu vực không có quan hệ lao động thuộc nhóm tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, trước đây các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện chưa được xây dựng và ban hành đầy đủ. Các chính sách hỗ trợ lao động khi họ hết thời gian hợp đồng, hết thời gian tham gia BHXH bắt buộc để tham gia BHXH tự nguyện chưa có. Do đó, chúng ta phải có các chính sách khuyến khích lao động khu vực phi kết cấu, khu vực không có quan hệ lao động tham gia BHXH tự nguyện; khuyến khích linh hoạt để những người đang tham gia BHXH bắt buộc khi họ không còn quan hệ lao động sang chế độ BHXH tự nguyện. Như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng đạt được mục tiêu bao phủ BHXH.

* Thực tế cũng cho thấy, đến nay nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc vẫn chưa được tham gia. Vậy theo ông, có cách nào để cải thiện thực tế này?

- Phải thừa nhận, dù BHXH Việt Nam rất tích cực, nhưng tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn diễn ra nhiều. Do đó, một trong những nhiệm vụ ngành BHXH cần thực hiện, chính là phải tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo các DN đóng đúng, đóng đủ và đóng hết cho những NLĐ có quan hệ lao động với mình.

Chúng ta cũng biết, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng như Thanh tra các Sở LĐ-TB&XH có chưa đến 500 người, hoạt động rộng và nếu chỉ tập trung vào công tác thanh tra đóng BHXH cũng không đủ lực lượng. Vì thế, Luật BHXH 2014 cho phép BHXH Việt Nam thành lập thanh tra chuyên ngành đóng BHXH và BHXH Việt Nam hiện có gần 2.000 cán bộ thực hiện chức năng này. Đặc biệt, BHXH chính là cơ quan biết rõ nhất DN nào nợ đóng, DN nào trốn đóng và với số lượng cán bộ làm công tác thanh tra như trên sẽ giúp việc thanh tra được nghiêm túc, đầy đủ nhất. Qua đó, giúp giảm tỉ lệ DN trốn đóng, nợ đóng BHXH…

* Liên quan đến vấn đề đóng BHXH, có ý kiến cho rằng, tỉ lệ đóng của Việt Nam còn cao dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH?

- Hiện nay, mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất ở các nước OECD đang là 25%, trong khi Việt Nam chỉ có 22%. So với các nước, mức đóng của chúng ta thấp, nhưng mức hưởng tối đa lại lên đến 75% mức đóng BHXH (trong khi các nước tối đa cũng chỉ hưởng khoảng 50%). Bây giờ, chúng ta vừa muốn giảm mức đóng, nhưng lại không muốn giảm mức hưởng, thì quỹ BHXH rất khó cân đối.

Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta giảm mức đóng, nhưng phải thấy được “dù đóng nhiều hay ít đều ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ sau này”. Đóng BHXH cho NLĐ cao, thì quyền lợi sau này NLĐ sẽ được hưởng cao hơn, bởi tính toán của chúng ta ngày nay giúp NLĐ hưởng trong tương lai.

Còn nếu bây giờ giảm mức hưởng, phải xem người về hưu với mức lương như hiện nay đã đảm bảo cuộc sống mà họ mong muốn hay không? Năm nào các cơ quan quản lý cũng khảo sát đời sống của người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội và kết quả là luôn luôn không đảm bảo, cần phải cải thiện. Hàng năm, dù Nhà nước không nâng lương tối thiểu, lương cơ sở, thì mức lương hưu vẫn được điều chỉnh.

Do vậy, nếu tiếp tục giảm mức đóng, mức hưởng BHXH, thì chắc chắn đời sống người về hưu sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

* Vậy phải chăng nâng tuổi nghỉ hưu sẽ là một trong những phương án tối ưu hiện nay, thưa ông?

- Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp đảm bảo tính cân đối, ổn định và bền vững của quỹ BHXH (quỹ dài hạn). Nghiên cứu của ILO cho thấy, mức hưởng BHXH của Việt Nam đang “hào phóng” nhất thế giới.

Theo tính toán, với mức đóng BHXH hiện nay (một tháng bằng 22% tiền lương), thì 30 năm đóng BHXH mới bằng 66 tháng tiền lương. Trong khi đó, mức hưởng được 75% thì số tiền đóng đó chỉ đủ trả cho 88 tháng; cho dù đầu tư tăng trưởng, quỹ BHXH cũng chỉ đủ chi trả cho 120 tháng (tức 10 năm hưởng). Thế nhưng, những người nào sống đến 60 tuổi, trung bình sẽ sống thêm được 21 năm. Do tiền lương đóng vào quỹ BHXH đủ trả cho 10 năm, vậy 11 năm nữa lấy tiền đâu chi trả tiếp? Nếu NSNN “dồi dào” có thể xử lý được vấn đề này, nhưng ngân sách khó khăn thì sẽ phải lấy ở quỹ BHXH ra để chi trả. Như vậy, rõ ràng dẫn đến tình trạng mất cân đối và quỹ BHXH không thể đảm bảo duy trì chi trả các chế độ cho những lao động này khi về hưu.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất để bảo toàn quỹ BHXH chính là đảm bảo ổn định đất nước trong tương lai khi lực lượng lao động ngày càng giảm, số người đóng BHXH cho số người hưởng sẽ mất cân đối. Những năm 1980, trung bình 1 năm cả nước có khoảng 1,7 triệu trẻ em được sinh ra; song những năm gần đây chúng ta chỉ có khoảng 1.000- 1.100 trẻ ra đời. Rõ ràng, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng các tính toán cho thấy dân số chúng ta đang già hóa rất nhanh- thuộc diện nhanh nhất thế giới. Như vậy, nếu chúng ta không tính toán trước, không bắt đầu từ bây giờ, thì tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn!

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo BHXH