Nhiều người bệnh nặng xin về nhà chờ chết vì không có BHYT

15/05/2017 12:57 AM


Ông H. bị rắn cắn vào điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng không có BHYT, gia đình xin về chờ chết vì chi phí điều trị quá lớn.

Mới đây, bệnh nhân Lại Văn H. (46 tuổi, ở Đăng Ninh, Nam Định) bị rắn cặp nia cắn phải vào điều trị tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai hơn 1 tháng. Bệnh nhân (BN) vào viện trong tình trạng nặng, chi phí điều trị tốn kém nhưng lại không có BHYT. Nhiều lần, gia đình đã có ý định xin cho BN về. Tuy nhiên, nhận thấy BN vẫn còn cơ hội sống nên các thầy thuốc đã động viên gia đình để BN lại điều trị. Với nỗ lực của gia đình, tập thể các thầy thuốc Trung tâm Chống độc, sự chung tay chia sẻ của các nhà hảo tâm thông qua Phòng Công tác xã hội, đến nay, BN đã tỉnh táo, đã rút máy thở và đang tiến triển tốt.

benh nhan 120517.jpg
Bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai

BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Điều trị rắn độc cắn phải dài ngày và chi phí khá tốn kém, trung bình khoảng từ 300 - 500 triệu đồng, đó là số tiền không hề nhỏ với cả những người không nghèo nhưng nếu tham gia BHYT người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả tối thiểu tới 80%. Chưa kể rủi ro và các vấn đề sức khỏe khác có thể đến bất kỳ lúc nào với tất cả mọi người, đặc biệt là người lao động trực tiếp. Vì vậy, BS Nguyên khuyên, tham gia BHYT hàng năm sẽ là cứu cánh đắc lực đối với chúng ta, mọi người đừng vì chủ quan hay tiếc mấy trăm mỗi năm để rồi khi lâm bệnh lại hối tiếc và đôi khi phải từ chối điều trị cho bản thân hay người thân chỉ vì không đủ tiền chi trả.

Một trường hợp khác là ông Vũ Văn H. (ở phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), năm nay 58 tuổi. Năm 2010, ông H mở cửa hàng kinh doanh thiết bị điện dân dụng và mua BHYT tự nguyện. 5 năm tham gia BHYT gần như ông không sử dụng đến tấm thẻ BHYT và đã có lần ông toan “vứt vào sọt rác”. Nhưng  đến giữa năm 2015 ông phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Tấm thẻ BHYT lúc này mới phát huy tác dụng. Ông H bảo, nếu với số tiền thu nhập hàng tháng từ việc kinh doanh cửa hàng thì chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày cho gia đình 4 miệng ăn, còn chẳng may mắc bệnh nặng thì không có nguồn nào để chi trả. Nhờ việc tham gia BHYT, ông được bệnh viện chi trả hoàn toàn. Thỉnh thoảng ông “vượt tuyến” về Hà Nội khám thì cũng chỉ cùng chi trả với bảo hiểm một phần nào đó.

Nếu có dịp vào các khoa Thận, tiết niệu ở các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức… hỏi các bệnh nhân đang điều trị ở đây thì gần như 100% họ đều tham gia BHYT và cùng có chung câu nói “Không có BHYT thì chết”.

Rõ ràng, chính sách BHYT là rất ưu việt, có lợi cho người tham gia nếu chẳng may xảy ra ốm đau, bệnh tật. Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều người có thể vì khó khăn về kinh tế hoặc có thể thấy không cần thiết nên không tham gia BHYT. Nhiều người trong số họ vẫn còn băn khoăn việc bảo đảm quyền lợi cho người bệnh mỗi khi đi khám chữa bệnh.

Ông Vũ Đình T, thôn Ngọc Giả, xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định băn khoăn: Chỉ khi nào hắt hơi, xổ mũi mới khám ở Trung tâm y tế xã, còn khi bệnh nặng là tôi lên thẳng Bệnh viện tỉnh Nam Định hoặc lên Hà Nội cho yên tâm. Chứ trình độ các cháu ở trung tâm y tế này chúng tôi đều biết cả, ai mà dám giao tính mạng cho các cháu được”.

Hay bà Ngô Thị My, cũng ở Trực Ninh, Nam Định băn khoăn, tôi tham gia BHYT tự nguyện cả chục năm nay, mỗi lần đi khám bệnh vượt tuyến đều rất khó khăn. Thế nhưng, có cháu ở ngay đầu xóm tôi cả quãng thời gian trước đó không tham gia BHYT, nhưng khi mang bầu, trước khi sinh khoảng 6 tháng thì mua BHYT tự nguyện. Khi vào viện sinh nở, cháu này được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người tham gia BHYT.

Và khi tham gia BHYT, không phải lúc nào người bệnh cũng thấy hài lòng, thoải mái. Chị Nguyễn Thị T. (Việt Trì, Phú Thọ) đang điều trị tại Bệnh viện K Trung ương cho biết, sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện, khi ra viện bác sĩ kê đơn các loại thuốc trong danh mục được BH chi trả nhưng bệnh nhân phải ra nhà thuốc ngoài bệnh viện để mua. Số tiền mua thuốc mỗi lần dao động trong khoảng từ 800.000 – 1.000.000 đồng. “Số tiền này với những bệnh  nhân nghèo như chúng tôi là cả một gia tài” – chị T. than thở.

Tình trạng của chị T phản ánh hiện đang xảy ra khá phổ biến ở các bệnh viện. Ông Hà Văn Thuý – Phó Vụ trưởng vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cũng thừa nhận nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn phải mua thuốc ở ngoài. Thậm chí có trường hợp chênh lệch lớn nhưng bệnh nhân không được thanh toán hoá đơn.

Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở nhiều bệnh viện. Bệnh viện đã đấu thầu mà không có thuốc cho người bệnh, chỉ định cho bệnh nhân ra ngoài mua thuốc thì bệnh viện phải thanh toán cho người bệnh đúng bằng khoản tiền mà người bệnh đã bỏ ra. “Quỹ cần đảm bảo thu - chi nhưng quyền lợi của người bệnh phải được đảm bảo” – ông Phạm Lương Sơn nói./.

Theo vov.vn