HÀNG NGÀN GIÁO VIÊN THIỆT THÒI SẼ ĐƯỢC TÍNH LẠI LƯƠNG HƯU

10/02/2017 03:52 AM


Từ tháng 5.2015 cho đến cuối năm 2016, Báo Lao Động liên tiếp phản ánh về câu chuyện buồn xung quanh những thầy cô giáo dạy mầm non công tác trước năm 1995 khi về hưu phải nhận đồng lương quá thấp tới mức “không đủ ăn sáng”.

Báo Lao Động số ra ngày 28.11.2016 tiếp tục phản ánh tình trạng khốn khó của các cô giáo.

Sự thiệt thòi này bắt nguồn từ những chính sách thiếu hợp lý. Từ tác động của báo chí và nỗ lực của cơ quan chức năng, ngày 7.2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn số 333/LĐTBXH-BHXH về việc tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 cho giáo viên mầm non. Như vậy, hàng ngàn giáo viên có thời gian công tác trên 20 năm không còn phải nỗi lo canh cánh về sự thiệt thòi, vô lý tồn tại bao nhiêu năm trời.

Khóc ròng vì chính sách bất hợp lý

Trong loạt bài của mình, Lao Động đã đề cập cụ thể tới thực trạng lương hưu hằng tháng chỉ khoảng 800.000 đồng/người của một số giáo viên mầm non đã về hưu tại huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên). Những giáo viên không đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc và phải tham gia BHXH tự nguyện để có đủ 20 năm đóng BHXH. Họ đều nhận số tiền lương hưu rất thấp. Ví dụ trường hợp bà Nguyễn Thị Thỏa (58 tuổi, trú ở xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ) chỉ được nhận 297.299 đồng/tháng (sau đó được điều chỉnh lên mức 558.349 đồng/tháng, rồi hơn 800.000 đồng/tháng như hiện nay). Không chỉ ở Hưng Yên, hàng ngàn giáo viên mầm non có hoàn cảnh tương tự ở Nam Định, Thanh Hóa… đều rơi vào tình cảnh khốn khổ này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi báo chí đăng tải về nỗi khổ của các giáo viên mầm non về hưu, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11.11.2015 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, theo đó quy định thực hiện trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.1.2016.

Ngày 15.6.2016, Chính phủ ra Nghị định số 55/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức LĐ, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995. Theo đó, giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1.1.1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1.1.2016 và giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1.1.1995, bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1.1.2016 - 31.12.2016, từ ngày 1.1.2016 nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định mà thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được trợ cấp thêm để mức lương hưu bằng mức lương cơ sở. Và ngày 15.7.2016 Bộ LĐTBXH đã ra Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nghị định trên.

Theo đó, giáo viên mầm non về hưu có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1.1.1995 và đang hưởng lương hưu trước ngày 1.1.2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1.1.2016 - 31.12.2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh mà thấp hơn 1.150.000 đồng thì được điều chỉnh bằng 1.150.000 đồng/tháng áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1.1.2016 - 30.4.2016; thấp hơn 1.210.000 đồng thì được điều chỉnh bằng 1.210.000 đồng/tháng áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1.5.2016 trở đi. Thông tư trên có hiệu lực từ 1.9.2016. Tuy nhiên, chính sách đã có nhưng khó thực hiện bởi còn quá nhiều vướng mắc khi thực hiện, đặc biệt là thiếu hướng dẫn đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước 1.1.1995.

Tháo gỡ và trả lại công bằng cho người lao động

Công văn số 333/LĐTBXH-BHXH về việc tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 cho giáo viên mầm non mà Bộ LĐTBXB mới ban hành sẽ tháo gỡ những vướng mắc đang có.

Theo công văn, bộ hướng dẫn các địa phương khi xem xét, giải quyết tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non, hồ sơ làm căn cứ xác định thời gian công tác được thực hiện theo quy định tại các văn bản trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995.

Cụ thể, đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1.1.1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định.

Để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, đối với giáo viên mầm non dạy học ở thành phố, thị xã sau đó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước thì thời gian công tác được tính hưởng bảo hiểm xã hội tính từ khi làm giáo viên mầm non. Trường hợp là giáo viên mầm non ở nông thôn, thị trấn thì thời gian công tác được tính hưởng bảo hiểm xã hội kể từ ngày được tuyển dụng vào biên chế chính thức.

Đối với hiệu trưởng trường mầm non ở nông thôn, sau đó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 133/HĐBT ngày 17.8.1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 25/TT ngày 16.8.1983 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với những người lao động này thì thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 được tính hưởng bảo hiểm xã hội kể từ khi làm giáo viên mầm non.

Đối với trường hợp được tính bổ sung thời gian làm giáo viên, hiệu trưởng trường mầm non trước ngày 1.1.1995 để hưởng bảo hiểm xã hội thì mức hưởng mới được tính từ khi người lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Việc hoàn trả phần chênh lệch hoặc tiền lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nguồn: Báo Lao động