Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu

23/09/2016 06:48 AM


Ngày 14/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu” với sự tham gia của các Vụ, Cục liên quan và các công ty dược phẩm trong cả nước. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tham dự Hội nghị.

ntkTien 150916.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị


Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính gây nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu dược liệu hiện nay là sự bất cập trong khó kiểm soát nguồn nguyên liệu thuốc đặc thù này.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Nam Khánh, hiện tại không có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền, dẫn tới cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc rất nhiều vào thời vụ và nguồn nhập khẩu. Giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường, không có căn cứ để xây dựng giá kế hoạch mua sắm cũng như thống nhất giá để đấu thầu dược liệu trong một năm.

Bên cạnh đó, giá trúng thầu của các tỉnh chênh lệch nhau rất nhiều. Dược liệu lưu hành chưa đúng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định chung nên hiện nay hầu hết việc đấu thầu dược liệu là đấu giá mà không có các điều kiện rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật như tây dược. Điều đó dẫn tới tình trạng một số dược liệu không đảm bảo chất lượng có giá thành rẻ được trúng thầu vào cơ sở KCB.

Mặt khác, hệ thống cung ứng dược liệu, vị thuốc còn nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện để chế biến dược liệu cũng tham dự đấu thầu các vị thuốc cổ truyền. Việc chứng nhận đảm bảo được chất lượng bằng Phiếu kiểm nghiệm của dược liệu chưa thực hiện nghiêm túc và kiểm soát chặt chẽ. Kết quả kiểm nghiệm chỉ có giá trị với mẫu mang đi kiểm nghiệm nên không đánh giá hết được chất lượng của toàn bộ lô hàng tham gia đấu thầu.

Thực tế công tác đấu thầu tại các cơ sở KCB cũng cho thấy, do thiếu cán bộ có kiến thức chuyên sâu về dược liệu, thuốc y học cổ truyền nên việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu còn chủ yếu dựa theo tân dược, chưa phản ánh được các đặc thù của dược liệu và thuốc cổ truyền, nhiều đơn vị chưa có sự phân chia gói thầu dược liệu và thuốc cổ truyền nên hầu như các cơ sở KCB bằng y học cổ truyền sử dụng dược liệu chưa chế biến trong BV, do vậy sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị cũng như có thể gây những tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại khi sử dụng thuốc y học cổ truyền

Ông Nguyễn Đăng Lâm- Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua tổng kết công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm nhận thấy nhóm dược liệu và thuốc đông dược là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất.

Với quan niệm dược liệu và thuốc đông y là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nên an toàn, ít độc hại với con người, nên thường được sử dụng theo truyền miệng, không quan tâm nguồn gốc xuất xứ. Do đó, đánh vào tâm lý thích dùng thuốc đông y với hy vọng lành tính, ít tác dụng phụ, giá thành rẻ nhưng lại muốn khỏi bệnh nhanh của người dân, không ít thày lang, bác sĩ đông y đã trộn tân dược vào đông y để tăng tác dụng điều trị. Thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương đã phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, bao gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược. "Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm đối với tính mạng người bệnh". Theo ông Lâm, các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới...

HN BYT 150916.jpg
Toàn cảnh Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Khẳng định y học cổ truyền là lĩnh vực cần quan tâm, chú ý phát triển và chia sẻ, nếu không kiểm soát được thuốc giả, thuốc kém chất lượng… sẽ gây ảnh hưởng nền y học cổ truyền mà tổ tiên đã gây dựng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giải pháp để tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu là phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, và quy trình về nhập khẩu, mua bán. Bộ Y tế sẽ phải khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan Luật Dược (sửa đổi) vừa được ban hành ngày 6/4/2016 về lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền. Đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực cho nuôi trồng, sản xuất dược liệu.

Về hoạt động đấu thầu, bên cạnh Thông tư số 31/2016/TT-BYT vừa được ban hành (ngày 10/8/2016) quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc cổ truyền trong các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng sẽ sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn đấu thầu riêng cho dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền dù Luật không quy định, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc các BV, trưởng khoa dược phải phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thanh, kiểm tra tại cơ sở khám chữa bệnh. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Bộ Y tế, các Sở Y tế sẽ kiên quyết loại các công ty có hàng giả, hàng kém chất lượng khỏi danh sách cho đấu thầu hoặc cấm nhập khẩu./.

Nguồn Website BHXH VN